Trang chủ Đại sứ quán Bài viết của Đại sứ Yasser Arafat và những kỉ niệm Việt Nam

Yasser Arafat và những kỉ niệm Việt Nam

Thứ sáu, 11 Tháng 11 2011 09:29

Mặc dù hy vọng về một nhà nước độc lập ở Bờ Tây và dải Gaza với Đông Jerusalem là thủ đô chưa đạt được, nhưng người dân Palestine luôn coi Abu Ammar (bí danh của Chủ tịch Arafat) là người đã góp công thắp lên niềm hy vọng ấy.

LTS: Nhân 7 năm ngày mất của Chủ tịch Palestien Yasser Arafat (11/11/2004 - 11/11/2011). TVN trân trọng giới thiệu bài viết về những kỷ niệm với Chủ tịch của Ngài Saadi Salama, Đại sứ Nhà nước Palestine tai Việt Nam. Đại sứ Saadi chính là người đã dịch cho Chủ tịch Arafat trong hai lần ông sang Việt Nam năm 1989 và 1991.

Tôi gặp Chủ tịch Arafat lần đầu tiên đã cách đây 30 năm, ngày tôi còn đang theo học ở  Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Việt Nam. Tôi nhớ lần gặp ấy chỉ vài ngày sau vụ ám sát nguyên Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat ở Cairo và vụ ám sát người anh em cùng kề vai sát cánh với chủ tịch Arafat - Majed Abo Sharar, ủy viên Bộ Chính trị của Tổ chức phong trào giải phóng Palestine (Fatah).

Ngay từ lần gặp đầu ấy, tôi đã nhận ra rằng ai đó có thể không đồng ý kiến với ông, nhưng chẳng ai có thể phủ nhận những sự thực về ông - Chủ tịch Yasser Arafat.

Ngoài cuộc gặp vào năm 1980 ấy, sau này, tôi còn có hai cơ hội không chỉ được gặp mà còn vinh dự được dịch cho Chủ tịch trong những lần ông sang Việt Nam vào hai năm 1989 và 1991.

Tôi nhớ mãi những kỷ niệm với ông vào cuối đầu tháng 6 năm 1989. Đó là một bữa cơm thân mật giữa Chủ tịch Arafat và các nhà lãnh đạo Việt Nam khi đó là các đồng chí Đỗ Mười, Võ Chí Công và Võ Nguyên Giáp. Các lãnh tụ của cách mạng Việt Nam vui vẻ kể cho chủ tịch nghe về những chính sách lớn của Việt Nam trong đó có chính sách kế hoạch hóa gia đình. Chủ tịch chăm chú lắng nghe rồi đột ngột nói: "Đó là một chính sách rất đúng đắn với Việt Nam. Nhưng Saadi Salama này, anh đã là con rể của Việt Nam, sống ở Việt Nam, tôi muốn anh tuân thủ mọi chính sách pháp luật của Việt Nam trừ chính sách này nhé. Bởi dân tộc Palestine cần nhiều người hơn nữa cho cuộc đấu tranh của mình..." Sự hài hước của chủ tịch làm tất cả lãnh đạo Việt Nam và chúng tôi đều bật cười.

Chủ tịch Arafat là một người cha của dân tộc Palestine, một con người luôn chăm lo cho nhân dân, một chiến sĩ hết mình vì tự do, một sứ giả của hòa bình, một nhà lãnh đạo đầy lòng kiên định. Ông đứng trên mảnh đất quê hương, một tay giữ chặt nhành ô liu, tay kia nắm chắc cây súng của các chiến sĩ để bảo vệ tự do cho dân tộc mình.

Đã tròn bảy năm kể từ ngày Chủ tịch ra đi, để lại một đất nước của những người con Palestine vẫn chưa được công nhận là công dân, côi cút và cô đơn. Dân tộc mà Chủ tịch đã đại diện và thúc đẩy sự nghiệp chính nghĩa vẫn chưa được công nhận là một quốc gia độc lập.

Trước lúc Chủ tịch ra đi về cõi vĩnh hằng, một phóng viên đã hỏi ông về thành tựu vĩ đại nhất của đất nước Palestine, Chủ tịch nở một nụ cười quen thuộc trên khuôn mặt và đáp rằng: "Chúng tôi đã đưa sự nghiệp của Palestine trở thành vấn đề lớn nhất trên thế giới. 107 năm sau Hội nghị Basel, 90 năm sau Hiệp ước Sykes Picot, Israel vẫn chẳng thể làm chúng tôi nhụt chí. Chúng tôi ở đây, tại đất nước Palestine này, sẵn sàng đối diện với họ. Chúng tôi không phải là những người dân da đỏ".

Bảy năm sau ngày Chủ tịch Arafat qua đời, "vấn đề" Palestine vẫn là một trong những vấn đề lớn nhất của thế giới, và mặc dù hy vọng về một nhà nước độc lập ở Bờ Tây và dải Gaza với Đông Jerusalem là thủ đô chưa đạt được, nhưng người dân Palestine chúng tôi luôn coi Abu Ammar (bí danh của Chủ tịch Arafat) là người đã góp công thắp lên niềm hy vọng ấy.

Niềm hi vọng ấy dựa vào chính những công dân Palestine của ngày hôm nay. Tôi nhớ mãi một câu nói của Chủ tịch trong cuộc gặp chính thức với lãnh đạo Việt Nam năm 1989: "Sức mạnh của Palestine chính là con người Palestine, những con người có thể nói giỏi rất nhiều ngoại ngữ trên thế giới. Anh Saadi Salama phiên dịch cho tôi đây là một ví dụ, anh có thể nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ của mình."

Chúng tôi đều luôn tưởng nhớ đến Chủ tịch Arafat như một vị cha của dân tộc Palestine, và trên khắp thế giới, những bài viết và phản ánh về sự ra đi của Chủ tịch đều nhắc đến ông với một cái tên trìu mến là "Ngài Palestine".

Quả đúng vậy, cho dù chúng tôi, những người dân Palestine, hôm nay còn mâu thuẫn về một số quyết định quan trọng mà Chủ tịch Arafat đã đưa ra (ở Amman, ở Beirut, ở Algiers, ở Oslo, ở Gaza, ở Trại David, và cuối cùng, ở Ramalah), về phong cách và phương pháp lãnh đạo của ông, nhưng hầu như ai cũng có một suy nghĩ chung về vấn đề di sản mà ông để lại: hãy hỏi bất cứ người dân Palestine nào trên đường phố, hay bất kỳ con đường nào trên thế giới, sẽ được trả lời không chút do dự, rằng Abu Ammar chính là người đã đưa vấn đề Palestine trước đây vốn chỉ là chuyện cung cấp cứu trợ nhân đạo dành cho người tị nạn trở thành cuộc đấu tranh chính trị lâu dài của một đất nước vì tự do và xứng đáng được hưởng quyền tự chủ.

Chủ tịch Arafat đã đoàn kết cộng đồng Palestine tị nạn bị chia rẽ, đã làm thay đổi PLO (tổ chức được thành lập bởi các nhà nước Ả-rập để kiềm chế và kiểm soát các nhóm chính trị Palestine) thành một tổ chức bảo vệ cho chủ nghĩa dân tộc của người Palestine. Chủ tịch Arafat đã được người dân Palestine trao quyền đại diện cho họ tại tòa án công luận quốc tế, và trên hết, thông qua nhiều biện pháp vô cùng độc đáo, ông đã giành được chính nghĩa quốc tế cho sự nghiệp lâu dài của mình.

Hôm nay, không có gì là khó hiểu khi ông được sự yêu mến đến vậy, không chỉ trong cộng đồng người Palestine, mà còn trong lòng quần chúng Ả-rập và thế giới nói chung. Chủ tịch Arafat là một nhà lãnh đạo nhân dân theo đúng nghĩa nhất, ông luôn chứng tỏ rằng mặc dù đôi khi phải sử dụng những biện pháp chính trị mạnh tay, ông vẫn luôn là vị lãnh tụ nhạy cảm và tinh tế trước tâm trạng và cảm xúc của người dân nước mình.

Chiếc khăn đen-trắng của người nông dân (Ông luôn đội để luôn nghi nhớ cuộc cách mạng đầu tiên của nông dân Palestine chống lại chế độ thực dân Anh và chủ nghĩa phục quốc Do Thái giữa những năm 1930), bộ quần áo quân đội sờn rách mà ông tuyên bố sẽ chỉ cởi bỏ khi Palestine được tự do; những bữa ăn giản dị và lối sống thanh đạm; những cái thơm má, những cái vẫy tay, những cái ôm chặt, những cái bắt tay với quần chúng - tất cả những nét đặc biệt ấy làm nên một nhân cách con người vĩ đại mặc dù các bài diễn văn trước công chúng của ông vẫn chưa thật hấp dẫn.

Tuy nhiên, bảy năm sau ngày Chủ tịch Arafat ra đi, không chắc chắn liệu giấc mơ về một nhà nước Palestine đã tiến gần hơn đến thực tế so với nhiều năm trước đó, khi ông lần đầu tiên xuất hiện tại Liên hợp quốc (năm 1974) và tuyên bố rằng sẽ thuyết phục cộng đồng quốc tế bằng "một tay khẩu súng và một nhành ô liu', và kêu gọi mọi người đừng để "nhành ô liu rơi xuống".

Trong khi những nhà bình luận trên thế giới đã dự báo sự ra đi của ông và việc tổng thống đương nhiệm Mahmoud Abbas (Abu Mazen) tiếp tục sự nghiệp sẽ mở ra một giai đoạn hòa bình mới và nhanh chóng dẫn đến việc thành lập nhà nước Palestine, nhưng những gì diễn ra trên thực tế còn đáng thất vọng nhiều hơn.

Tròn bảy năm kể từ ngày Chủ tịch qua đời, nhân dân Palestine vẫn không biết họ sẽ phải sống ra sao. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh chính nghĩa để đạt được ước nguyện của ông và chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng chúng ta sẽ được hưởng độc lập, tự do và tham gia cộng đồng quốc tế, xây dựng hòa bình lâu dài và tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ con cháu chúng ta.

Di sản của Chủ tịch Arafat sẽ sống mãi và hình ảnh của ông đã, đang và sẽ khắc sâu trong trái tim tôi và trái tim của những con người yêu chuộng hòa bình, trong đó có các bạn Việt Nam gần gũi và thân thiện.

 

Bài viết đăng trên Vietnamnet ngày 11/11/2011