Trong 2 ngày 21 – 22/5/2018, Đại sứ Nhà nước Palestine Saadi Salama đã tới dự Hội thảo Quốc tế “Đoàn kết nhân dân vì hòa bình- an ninh và phát triển bền vững” do Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức.
Sau đây là toàn văn bài phát biểu của Ngài Đại sứ tại hội thảo:
Kính thưa các vị đại biểu,
Kính thưa các vị khách quý,
Hôm nay chúng ta gặp nhau tại Quảng Trị, nơi ghi dấu những trang lịch sử sáng ngời của Việt Nam, được viết nên từ sự hy sinh cao cả của những người con đất thép, của những thanh niên “xếp bút nghiên” đi theo tiếng gọi quê hương và hiến dâng trọn tuổi xuân trong những “mùa Hè đỏ lửa”. Cùng với tất cả các tầng lớp nhân dân Việt Nam, họ đã góp phần làm nên thắng lợi của cuộc tổng tiến công Mùa xuân 43 năm trước, giải phóng và thống nhất đất nước Việt Nam ngày 30/4/1975.
Kính thưa các vị khách quý,
Kính thưa các vị đại biểu,
Buổi gặp gỡ của chúng ta ngày hôm nay diễn ra giữa lúc thế giới đang chứng kiến nhiều sự đổi thay, thôi thúc nhân dân các dân tộc phải tăng cường đoàn kết và hành động để cùng nhau vượt qua các thách thức và thực hiện những mục tiêu chung. Tình đoàn kết cũng là động lực và nguồn cổ vũ lớn lao để các quốc gia trên thế giới đứng lên bảo vệ mình và các quyền lợi của dân tộc. Với những nước tại Trung Đông nói chung và nhân dân các quốc gia Arab nói riêng – nơi vẫn đang chứng kiến nhiều cuộc xung đột, bất ổn, chia rẽ - tình đoàn kết càng có vai trò quan trọng khi là con đường tất yếu và duy nhất để ứng phó với những nhân tố đe dọa an ninh và vận mệnh dân tộc. Thực trạng đau lòng từ các cuộc xung đột tại khu vực cho thấy việc thiếu đi sự đoàn kết, đồng lòng và chia sẻ lẫn nhau đã trở thành một trong những nguyên nhân tạo điều kiện cho nhiều lực lượng thù địch và tay chân thực hiện các kế hoạch phục vụ cho lợi ích của họ ở khu vực với mục đích thống trị các quốc gia bản địa, cướp bóc tài nguyên, gây rối loạn an ninh, thậm chí làm mất chủ quyền và tước đi quyền quyết định độc lập của một quốc gia.
Lẽ đương nhiên, tình trạng này đòi hỏi phải tìm ra những biện pháp thích hợp trên tinh thần gạt bỏ những mâu thuẫn hay bất đồng thứ yếu mà đề cao những vấn đề chung và cơ bản thành ngọn cờ để tập hợp sức mạnh. Những mối quan tâm đang cùng chia sẻ đó đã đoàn tụ nhân dân các dân tộc trong khu vực lại với nhau, tạo nên những cơ sở thiết yếu và vững chắc cho sự hợp tác, xích lại gần nhau và cùng nhau hành động nhằm đạt được thành quả chung. Sự sát cánh này sẽ giúp mang lại những giải pháp đúng đắn cho các vấn đề khó khăn khi chúng đem lại lợi ích cho tất cả các quốc gia liên quan, phù hợp với lợi ích tối thượng của nhân dân các dân tộc trong khu vực Trung Đông trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội...
Tuy nhiên, mục tiêu này cũng đang gặp phải vô vàn thử thách. Trước hết, đó là những thách thức từ cuộc chiếm đóng lâu dài đã từ chối các quyền cơ bản của người dân Palestine, từ các cuộc cướp bóc lãnh thổ Palestine đi ngược lại mọi nghị quyết của Liên hợp quốc và các cam kết quốc tế của Israel, từ các cuộc can thiệp vào nhiều quốc gia Arab khác thông qua chiến tranh, xung đột ảnh hưởng tới an ninh, ổn định và hoà bình ở khu vực. Bên cạnh đó là mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố dưới nhiều hình thức và các kế hoạch của một số thế lực nhằm kiểm soát khu vực Trung Đông.
Trước thực trạng đáng lo ngại này, xây dựng, củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc, đặc biệt ở khu vực được coi là con đường tất yếu để đối diện và giải quyết những vấn đề mới nảy sinh. Tầm quan trọng của tình đoàn kết giữa nhân dân các dân tộc trong khu vực ở giai đoạn hiện nay càng nổi lên như một yêu cầu cấp bách trong bối cảnh nhiều quốc gia đang rơi vào các cuộc xung đột nội bộ. Vì vậy, đoàn kết sẽ tạo ra nguồn sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy các hoạt động thực tế và đem lại hiệu quả đấu tranh. Tăng cường được vai trò của tình đoàn kết cũng sẽ nâng cao khả năng tác động vào việc thực hiện các lợi ích cốt lõi của dân tộc. Tuy nhiên, điều này chỉ thành công khi các quốc gia thực thi một chiến lược phát triển kinh tế đồng bộ và có sự phối hợp giữa các lĩnh vực khác nhau.
Để đạt được mục tiêu cao cả này, cần phải chú ý những yếu tố sau:
1. Để thực hiện đoàn kết thì cần phải đẩy mạnh tìm ra một giải pháp công bằng cho các vấn đề gây xung đột trong khu vực, trước hết là vấn đề Palestine đã kéo dài 70 năm qua khi đây được xem là nguyên nhân cốt lõi của nhiều vấn đề tại Trung Đông. Những giải pháp này phải dựa trên luật pháp quốc tế, đảm bảo các mục tiêu cơ bản nhất như thành lập một nhà nước Palestine có chủ quyền trên lãnh thổ Palestine mà đã bị chiếm đóng vào năm 1967 với thủ đô là Đông Jerusalem vốn đã được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế khẳng định.
2. Đoàn kết là cuộc vận động tập thể và toàn diện chống lại bạo lực, khủng bố và bất công. Hợp tác không dừng lại ở giới hạn tiễu trừ các phần tử khủng bố, những kẻ đang ủng hộ chúng, tài trợ cho chúng, tạo nơi ẩn náu an toàn và vỏ bọc chính trị cho chúng mà phải mở rộng sự hợp tác này để nhổ bỏ tận gốc chủ nghĩa khủng bố sau khi xử lý các căn nguyên về tư tưởng, xã hội và kinh tế. Thêm vào đó, việc xóa bỏ những nhân tố gây chia rẽ này sẽ giúp củng cố tình đoàn kết giữa các cộng đồng trong một quốc gia, giữa các quốc gia trong khu vực với nhau.
3.Tăng cường vai trò của ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân nhằm củng cố nguyên tắc giải quyết các cuộc tranh chấp, xung đột bằng các biện pháp hoà bình, thúc đẩy sự hiểu biết, giao lưu lẫn nhau giữa các dân tộc.
4. Thúc đẩy tình đoàn kết quốc tế nhằm tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân các quốc gia trên thế giới đối với việc giải quyết những vấn đề khó khăn tại khu vực trên cơ sở tôn trọng nguyện vọng chính đáng của các dân tộc tại Trung Đông.
5.Mở rộng hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực, thông qua thương mại song phương cũng như đầu tư, liên doanh. Hoạt động này sẽ giúp hỗ trợ nền kinh tế của các quốc gia nghèo hơn, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội vốn là mầm mống dẫn đến bất ổn. Gắn kết về kinh tế cũng là sự vận động tất yếu của xu hướng toàn cầu hóa, tăng liên kết khu vực và là cây cầu vững chắc thúc đẩy tình hữu nghị giữa các quốc gia.
6. Thiết lập các xã hội dân chủ dựa trên nguyên tắc bình đẳng, nơi tất cả công dân phải tuân thủ luật pháp và tôn trọng những quyền cơ bản của con người về chính trị, kinh tế và xã hội, áp dụng chuyển giao quyền lực một cách hòa bình thông qua hòm phiếu và tổ chức bầu cử tự do, minh bạch.
7.Đẩy mạnh cuộc chiến chống đói nghèo, giảm thất nghiệp và bảo vệ môi trường để bảo đảm mục tiêu phát triển bao trùm và bền vững. Điều này đòi hỏi phải thống nhất quan điểm trên các diễn đàn quốc tế trên nguyên tắc hợp tác và cùng chia sẻ.
8.Hỗ trợ và làm sâu sắc hơn quan hệ văn hóa giữa các dân tộc, vì văn hóa với tất cả các lĩnh vực nghệ thuật, văn học và sức truyền tải đặc biệt sẽ đưa nhân dân các dân tộc xích lại gần nhau, tăng cường mối liên kết và tạo nên khả năng đối đầu với chủ nghĩa bá quyền về văn hóa trong bối cảnh một số nước đang tìm cách áp đặt lối sống và giá trị của họ lên các dân tộc trong khu vực.
Kính thưa quý vị,
Thưa các vị đại biểu,
Người Việt Nam có câu:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước thì thương nhau cùng
Câu ca dao này cho thấy người Việt Nam từ đời này qua đời khác luôn nhắc nhở nhau về sự cần thiết phải yêu thương, đùm bọc, chia sẻ và đoàn kết với nhau. Đây đã trở thành một truyền thống quý báu, là nguồn gốc tạo nên sức mạnh, giúp dân tộc Việt Nam đạt được những chiến thắng hiển hách trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm suốt chiều dài lịch sử. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng xem đoàn kết dân tộc kết hợp với đoàn kết quốc tế là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa sống còn và quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam bởi theo vị lãnh tụ kiệt xuất của nhân dân Việt Nam “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”. Thực tế từ cuộc đấu tranh của các dân tộc trên thế giới đã khẳng định chân lý đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh và rằng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!”.
Một lần nữa tôi xin bày tỏ niềm vinh hạnh khi được tham gia sự kiện có ý nghĩa này. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành và đánh giá cao đối với Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam cùng Chủ tịch Quỹ, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình – một người bạn thân thiết của nhân dân Palestine nói riêng, và nhân dân khu vự Trung Đông nói chung. Tôi chúc hội thảo của chúng ta thành công rực rỡ.
Xin trân trọng cảm ơn quý vị!