Trang chủ

BÀI PHÁT BIỂU CỦA NGÀI MAHMOUD ABBAS, TỔNG THỐNG NHÀ NƯỚC PALESTINE, TẠI HỘI ĐỒNG BẢO AN LIÊN HỢP QUỐC

Thứ tư, 21 Tháng 2 2018 14:15

Bản dịch tham khảo

New York, ngày 20/2/2018

 

Kính thưa Ngài Sheikh Sabah Al-Khaled Al-Hamad Al-Sabah, Chủ tịch Hội đồng Bảo an, 

Kính thưa Ngài António Guterres, Tổng thư ký Liên hợp quốc, 

Kính thưa toàn thể các Thành viên của Hội đồng Bảo an,

70 năm đã trôi qua kể từ thảm họa ‘Nakba’ của Palestine, khiến 6 triệu người tị nạn Palestine tiếp tục phải chịu đựng sự tàn bạo của cuộc sống lưu vong và mất đi an ninh con người. Họ tiếp tục lang bạt trên khắp thế giới sau khi mất đi cuộc sống yên bình và ổn định ở quê hương. Họ là một phần trong số 13 triệu người Palestine có đất nước vẫn chưa được công nhận là một Quốc gia Thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc, bất chấp nhiều nghị quyết đã tái khẳng định quyền tự quyết của họ và quyền có nhà nước trên đất đai của tổ quốc mình.

Chúng tôi là con cháu của những người Canaanite đã sống ở vùng đất Palestine từ 5.000 năm trước và vẫn tiếp tục ở lại đây cho tới ngày nay. Dân tộc vĩ đại của chúng tôi vẫn bám rễ trên đất đai của mình. Dân tộc Palestine đã xây dựng những thành phố và tổ quốc của chính mình và có những đóng góp cho nền văn minh nhân loại đã được thế giới chứng nhận. Chúng tôi đã thành lập các thể chế, trường học, bệnh viện, các tổ chức văn hóa, nhà hát, thư viện, các tờ báo, nhà xuất bản, các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp và ngân hàng, với tầm ảnh hưởng rộng rãi trong khu vực và trên phạm vi quốc tế.

Tất cả những điều này tồn tại trước và sau khi Tuyên bố Balfour được Chính phủ Anh ban hành năm 1917, một tuyên bố của những người không sở hữu vùng đất này, dành nó cho những người không có quyền sở hữu. Chính phủ Anh phải chịu trách nhiệm về những hậu quả thảm khốc gây ra cho dân tộc Palestine bắt nguồn từ đó.

Kể từ đó, và mặc dù dân tộc chúng tôi vẫn phải chịu sự chiếm đóng, chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc hành trình xây dựng và phát triển đất nước mình với việc thành lập Chính quyền Dân tộc (National Authority) vào năm 1994. Các thể chế quốc gia của chúng tôi được các tổ chức quốc tế công nhận vì những công lao và công việc của chúng, vốn dựa trên pháp quyền, trách nhiệm giải trình và sự minh bạch, và việc trao quyền cho phụ nữ và giới trẻ trong một môi trường khoan dung, chung sống hòa bình giữa các nền văn minh và không phân biệt đối xử. Ngoài ra, chúng tôi vẫn tiếp tục cố gắng đoàn kết người dân và đất đai của mình và đảm bảo một chính quyền, một luật pháp, và một mũi súng, và quyết tâm tổ chức các cuộc bầu cử nghị viện và bầu cử tổng thống.

 

Kính thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa các Ngài,

Chúng tôi có sự tin tưởng sâu sắc và quan điểm rõ ràng về việc sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào. Chúng tôi không những kêu gọi giải giáp vũ khí hạt nhân, mà còn phản đối các vũ khí thông thường, vốn đã gây ra những sự tàn phá lớn lao cho các nhà nước trong khu vực chúng tôi và trên khắp thế giới. Do đó, chúng tôi cam kết thúc đẩy một nền văn hóa hòa bình, từ chối bạo lực, theo đuổi phát triển bền vững và việc xây dựng trường học, bệnh viện, các khu công nghiệp, nông trại và sản xuất công nghệ, đồng thời phản đối việc mở các nhà máy sản xuất vũ khí và mua bán xe tăng và máy bay chiến đấu, bởi chúng tôi ao ước nhân dân mình được sống trong tự do và nhân phẩm, xa cách khỏi chiến tranh và sự tàn phá, xa cách khỏi sự khủng bố và cực đoan, là những điều mà các nơi trên khắp toàn cầu đều đang đấu tranh không khoan nhượng. Theo đó, chúng tôi đã trở thành một bên trong 83 thỏa thuận an ninh với các Nhà nước trên khắp thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, Liên bang Nga, các nước Châu Âu và các quốc gia khác. Tại sao hôm nay chúng tôi có mặt tại đây?

Sau một hành trình dài và các nỗ lực nhằm tạo ra một con đường chính trị dựa trên đàm phán và dẫn tới một nền hòa bình toàn diện và công bằng, như các ngài đã biết, chúng tôi đã tham gia Hội nghị Madrid năm 1991 và ký các Hiệp định Oslo năm 1993, trong đó khẳng định nhu cầu cấp thiết phải đạt được một giải pháp cho tất cả các vấn đề hiện trạng lâu dài trước năm 1999. Rủi thay, điều này vẫn chưa trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiên trì với các nỗ lực nhằm đạt được hòa bình. Chúng tôi đã tham gia đối thoại tại Sông Wye và Trại David. Chúng tôi đã tham gia Hội nghị Annapolis; chúng tôi tham gia đối thoại với cựu Thủ tướng Israel Olmert, và gặp gỡ Thủ tướng Netanyahu với sự hiện diện của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và George Mitchell; và chúng tôi đã chấp nhận lời mời của Tổng thống Putin để tới gặp ông Netanyahu tại Mát-xcơ-va, nhưng đáng tiếc là ông ta đã tránh tham dự cuộc gặp đó. Chúng tôi đã làm việc vô cùng nghiêm túc với cựu Ngoại trưởng John Kerry. Nhưng sự ngoan cố của Chính quyền Israel đã dẫn tới sự thất bại của tất cả các nỗ lực này. Sau tất cả những điều này, làm sao có thể nói rằng chúng tôi là người từ chối đàm phán?

Đối mặt với sự bế tắc này, chúng tôi không bỏ cuộc hay từ bỏ hy vọng. Chúng tôi đã đến với Liên hợp quốc, tin tưởng vào các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó khẳng định, cùng những điều khác, việc không thể chấp nhận sự chiếm đoạt lãnh thổ bằng vũ lực và khẳng định quyền tự quyết của các dân tộc, là một trong các vấn đề mà Hội đồng uy nghiêm này sẽ bàn thảo ngày mai. Chúng tôi tiếp tục làm việc với tất cả các cơ quan và hội đồng của Liên hợp quốc trong công cuộc tìm cách chấm dứt sự chiếm đóng này đối với đất đai và con người của chúng tôi. Song, bất chấp tất cả những điều này, cộng đồng quốc tế vẫn chưa thực thi các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc, thậm chí cho tới ngày hôm nay.

 

Kính thưa quý vị,

Có hợp lý không, khi Đại hội đồng đã thông qua 705 nghị quyết và Hội đồng Bảo an đã thông qua 86 nghị quyết ủng hộ chúng tôi, nhưng chưa có nghị quyết nào được thực thi? Có hợp lý không, khi Israel vi phạm nghĩa vụ của mình là phải thực thi nghị quyết 181 (II) và 194 (III), là điều kiện để nước này được gia nhập Liên hợp quốc, như Ngoại trưởng nước này khi đó là Moshe Sharett đã cam kết bằng văn bản?

Israel đang hành động như một Nhà nước đứng trên luật pháp. Họ đã chuyển sự chiếm đóng từ tình trạng tạm thời theo luật pháp quốc tế thành tình trạng thuộc địa hóa định cư lâu dài và áp đặt thực tế Một Nhà nước Phân biệt chủng tộc. Họ đã đóng mọi cánh cửa để hiện thực hóa giải pháp Hai Nhà nước trên cơ sở đường biên giới năm 1967.

Tại đây, chúng tôi phải khẳng định lại, như chúng tôi vẫn luôn khẳng định trước đây, rằng vấn đề của chúng tôi không phải là với những người theo đạo Do thái. Do thái giáo là một tôn giáo độc thần giống như Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Vấn đề của chúng tôi chỉ là với những kẻ chiếm đóng đất đai của chúng tôi và những người từ chối độc lập và tự do của chúng tôi.

 

Kính thưa ngài Chủ tịch,

Thưa các quý Thành viên của Hội đồng,

Chúng tôi đã gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bốn lần trong năm 2017, và chúng tôi đã thể hiện sự sẵn sàng tuyệt đối để đạt được một thỏa thuận hòa bình lịch sử. Chúng tôi đã nhiều lần tái khẳng định quan điểm của mình theo luật pháp quốc tế, các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc và giải pháp Hai Nhà nước dựa trên đường biên giới năm 1967. Song chính quyền này vẫn chưa nói rõ quan điểm của họ. Họ ủng hộ giải pháp Hai Nhà nước, hay Một Nhà nước? Và rồi sau đó, theo một cách thức nguy hiểm, chưa từng có, chính quyền này đã đưa ra một quyết định trái pháp luật, và bị cộng đồng quốc tế bác bỏ, là loại vấn đề Jerusalem “ra khỏi bàn đàm phán” và công nhận Thành phố này là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán của mình tới đây. Họ làm vậy và phớt lờ rằng Đông Jerusalem là một phần của lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng từ năm 1967 và là thủ đô của chúng tôi, là nơi chúng tôi muốn là một Thành phố mở cho tất cả các tín đồ của cả ba tôn giáo độc thần, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và Do thái giáo.

Cũng thật kỳ lạ khi Hoa Kỳ vẫn liệt Tổ chức Giải phóng Palestine vào danh sách khủng bố của mình và áp đặt những hạn chế cho công việc của cơ quan đại diện của chúng tôi tại Washington với cái cớ là các quyết định của Quốc hội từ năm 1987. Và gần đây nhất, họ đã quyết định trừng phạt người tị nạn Palestine bằng cách giảm phần đóng góp cho UNRWA, bất chấp thực tế rằng họ đã ủng hộ việc thành lập Cơ quan này và tán thành Sáng kiến Hòa bình Ả Rập, trong đó kêu gọi một giải pháp công bằng và đồng thuận cho thảm cảnh của người tị nạn, phù hợp với nghị quyết 194 (III).

Hoa Kỳ đã mâu thuẫn với chính mình và với các cam kết của mình và vi phạm luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan với quyết định về Jerusalem. Vì thế, hôm nay không thể để cho riêng một quốc gia hay Nhà nước giải quyết một xung đột khu vực hay quốc tế mà không có sự tham gia của các đối tác quốc tế khác. Vì thế, để giải quyết vấn đề Palestine, điều thiết yếu là phải thiết lập một cơ chế quốc tế đa phương xuất phát từ một hội nghị quốc tế và phù hợp với luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan.

 

Thưa ngài Chủ tịch,

Thưa quý vị,

Đối mặt với các chính sách và thực tiễn vi phạm luật pháp quốc tế của Israel và việc Israel không tuân thủ và không thực thi các thỏa thuận đã ký kết, Ủy ban Trung ương của chúng tôi, cơ quan nghị viện cao nhất của Palestine, đã quyết định xem xét lại mối quan hệ với Israel từ cách đây vài tuần, khi thấy rằng chúng tôi đã trở thành một Chính quyền không có thẩm quyền và sự chiếm đóng đã trở thành miễn phí và rằng Israel phải duy trì những nghĩa vụ của một Thế lực Chiếm đóng.

Bất chấp điều này, tôi khẳng định với các ngài về cam kết của chúng tôi trong việc duy trì các thể chế và thành tựu của mình, là những điều chúng tôi đã hiện thực hóa tại Palestine cũng như trên trường quốc tế. Chúng tôi quyết tâm gắn bó với con đường chính trị, ngoại giao, pháp lý, tránh xa bạo lực, và thông qua đàm phán và đối thoại chính trị, là những gì chúng tôi chưa bao giờ từ chối.

Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng vòng tay để kiến tạo hòa bình và sẽ tiếp tục nỗ lực để chấm dứt sự chiếm đóng của Israel dựa trên giải pháp Hai Nhà nước theo đường biên giới năm 1967 và sự hợp pháp quốc tế theo các nghị quyết liên quan để đạt được những nguyện vọng dân tộc của mình. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối bất kỳ âm mưu nào, cho dù là của ai, nhằm áp đặt những giải pháp mâu thuẫn với tính hợp pháp này.

Chúng tôi đã được Đại Hội đồng cấp quy chế Nhà nước Quan sát viên phi thành viên, và trên nền tảng đó, chúng tôi đã trở thành một đối tác Nhà nước trong 105 hiệp ước và tổ chức quốc tế. Chúng tôi đã được 138 Nhà nước công nhận. Tất cả những điều này đã củng cố hơn nữa vị thế của Nhà nước Palestine, một nhà nước vẫn đang tiếp tục cố gắng giành được sự công nhận của các nước còn lại trên thế giới, trong đó có các Quốc gia Thành viên của Hội đồng Bảo an vẫn chưa công nhận Nhà nước Palestine, ngay cả khi biết rằng việc công nhận Nhà nước Palestine không phải là một giải pháp thay thế cho đàm phán, mà thay vào đó chỉ thúc đẩy triển vọng thành công cho các cuộc đàm phán mà thôi.

Trong giai đoạn tới, chúng tôi sẽ tăng cường các nỗ lực để được công nhận là thành viên đầy đủ tại Liên hợp quốc và đảm bảo sự bảo vệ quốc tế cho người dân của mình. Chúng tôi hy vọng các ngài sẽ ủng hộ những nỗ lực này để đảm bảo các quyền của 13 triệu người Palestine, những người luôn mong mỏi một tổ quốc độc lập như tất cả các dân tộc khác trên thế giới và mong mỏi Nhà nước của mình có được vị thế công bằng trong cộng đồng quốc tế.

 

Thưa ngài Chủ tịch,

Thưa quý vị,

Chúng tôi tới đây trước Hội đồng tôn nghiêm này giữa sự bế tắc của tiến trình hòa bình do quyết định của Mỹ liên quan tới Jerusalem, do các hoạt động định cư trái phép tiếp diễn của Israel, sự vi phạm của họ với các nghị quyết của Hội đồng này, và sự bất kính của họ với các thỏa thuận đã ký kết. Chúng tôi có mặt tại đây bởi khát khao của phía Palestine là tiếp tục hành động một cách tích cực và quả cảm để xây dựng một văn hóa hòa bình, bác bỏ bạo lực, cứu vãn nguyên tắc Hai Nhà nước, và đạt được an ninh và ổn định cho tất cả, để lấy lại hy vọng cho dân tộc chúng tôi và các dân tộc trong khu vực, và tìm ra một cách để thoát khỏi sự bế tắc và khủng hoảng mà chúng ta đang mắc phải.

Với niềm tin vào một nền hòa bình công băng, lâu dài và tòan diện, vốn là lựa chọn chiến lược của chúng tôi vì lợi ích của các thế hệ mai sau trong khu vực chúng tôi, bao gồm cả người Palestine và người Israel, tôi xin đề xuất với Hội đồng tôn nghiêm này một kế hoạch hòa bình sẽ xử lý những vấn đề cốt lõi vẫn làm tổn hại các nỗ lực hòa bình trong nhiều thập niên qua. Kế hoạch của chúng tôi bao gồm các điểm sau:

 

Thứ nhất: Chúng tôi kêu gọi triệu tập một hội nghị hòa bình quốc tế trước giữa năm 2018, dựa trên luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc, với sự tham gia quốc tế rộng lớn và bao gồm hai bên liên quan và các chủ thể khu vực và quốc tế, mà trước tiên là các Thành viên Thường trực của Hội đồng Bảo an và Bộ tứ Quốc tế, giống như khuôn khổ của Hội nghị Hòa bình Paris và như đã được dự tính cho hội nghị sẽ được triệu tập ở Mát-xcơ-va theo nghị quyết 1850 (năm 2008). Các kết quả của hội nghị này nên là:

a.         Chấp nhận Nhà nước Palestine là một thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc và yêu cầu Hội đồng Bảo an đạt được điều đó, tính đến Nghị quyết 67/19 ngày 29/11/2012 của Đại hội đồng, và đảm bảo sự bảo vệ quốc tế đối với người dân của chúng tôi.

b.         Sự công nhận lẫn nhau giữa Nhà nước Palestine và Nhà nước Israel dựa trên đường biên giới năm 1967.

c.         Hình thành một cơ chế đa phương quốc tế hỗ trợ hai bên trong đàm phán để giải quyết các vấn đề hiện trạng lâu dài đã được định nghĩa trong Hiệp định Oslo (Jerusalem, đường biên giới, an ninh, các khu định cư, người tị nạn, nước và tù nhân), tiến hành các đàm phán đó dựa trên luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc, và thực thi những gì sẽ được thỏa thuận trong một khung thời gian định trước và với sự cam đoan về việc thực thi này.

 

Thứ hai: Trong suốt thời gian đàm phán, tất cả các bên phải tránh các hành động đơn phương, nhất là những hành động xét đoán trước kết quả của một giải pháp sau cùng, như đã được quy định trong Điều 31 của Hiệp định Oslo năm 1993. Trước tiên phải là việc ngừng các hoạt động định cư tại lãnh thổ bị chiếm đóng từ năm 1967, bao gồm Đông Jerusalem, và hủy quyết định liên quan tới Jerusalem và dừng việc chuyển đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem, phù hợp với các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an, đặc biệt là các nghị quyết 476 (1980), 478 (1980), 2334 (2016) và Nghị quyết ES-10/19 của Đại Hội đồng. Đồng thời, Nhà nước Palestine sẽ không tham gia thêm các tổ chức như trước đó chúng tôi đã cam kết tham gia (cụ thể là 22 tổ chức quốc tế trong số 500 tổ chức và hiệp ước).

 

Thứ ba: Thực thi Sáng kiến Hòa bình Ả Rập, như đã được thông qua và tán thành, và hoàn tất một thỏa thuận khu vực về việc đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa người Palestine và người Israel.

 

Liên quan tới vấn đề này, chúng tôi khẳng định lại các điều khoản tham chiếu cho bất kỳ cuộc đàm phán nào sắp tới và chúng là như sau:

1.         Tôn trọng luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan, bao gồm các nghị quyết 242 (1967), 338 (1973) tới nghị quyết 2334 (2016) của Hội đồng Bảo an, và Sáng kiến Hòa bình Ả Rập, và các thỏa thuận đã ký.

2.         Duy trì nguyên tắc Hai Nhà nước, nghĩa là Nhà nước Palestine, với Đông Jerusalem là thủ đô, sống bên cạnh Nhà nước Israel trong hòa bình và an ninh dựa trên đường biên giới ngày 4/6/1967, và bác bỏ các giải pháp từng phần và một Nhà nước với đường biên giới tạm thời.

3.         Chấp nhận những sự đánh đổi đất đai nhỏ, với giá trị và tỉ lệ ngang bằng, với sự đồng thuận giữa hai bên.

4.         Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine và là một thành phố mở cho các tín đồ của ba tôn giáo độc thần.

5.         Đảm bảo an ninh của hai Nhà nước mà không làm phương hại đến nền độc lập và chủ quyền của nhà nước nào thông qua sự tồn tại của một bên thứ ba quốc tế.

6.         Một giải pháp công bằng và đồng thuận cho người tị nạn Palestine dựa trên nghị quyết 194 (III) và phù hợp với Sáng kiến Hòa bình Ả Rập và, cho tới khi có một giải pháp công bằng, tiếp tục các cam kết và sự ủng hộ quốc tế đối với UNRWA.

 

Kính thưa ngài Chủ tịch, thưa quý vị,

Chúng tôi sẵn sàng thực hiện những cuộc hành trình dài nhất tới những nơi xa nhất trên thế giới để hiện thực hóa các quyền của mình. Nhưng chúng tôi sẽ không dịch chuyển dù chỉ 1cm nếu bất kỳ ai muốn chúng tôi từ bỏ các quyền này.

Chúng tôi sẽ đưa bất kỳ thỏa thuận nào đạt được với Israel ra một cuộc trưng cầu dân ý đại chúng với người dân của mình, tôn trọng dân chủ và củng cố tính hợp pháp. Hôm nay chúng tôi đã gõ cửa lên cánh cửa của các ngài, các ngài là cơ quan quốc tế cao nhất được giao phó trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Chúng tôi đã trình bày tầm nhìn hòa bình của mình. Hy vọng rằng nó sẽ được đón nhận với sự khôn ngoan và công lý. Chúng tôi sẵn sàng bắt đầu đàm phán ngay lập tức để đạt được tự do và độc lập cho dân tộc mình, giống như mọi dân tộc khác, và đạt được hòa bình và an ninh cho tất cả mọi người trong khu vực chúng tôi và trên thế giới, để các thế hệ tương lai có thể được hưởng lợi ích của nền hòa bình này, sau những hy sinh to lớn của những con người thân thiết nhất với họ, trong đó có những liệt sỹ, những người bị thương và các tù nhân.

Hội đồng Bảo an là thực thể cao nhất mà các dân tộc trên thế giới tìm kiếm sự tôn nghiêm và bảo vệ; sau Hội đồng này, chúng tôi giao vấn đề của mình cho Thượng đế. Bởi nếu không thể giành được công lý cho dân tộc chúng tôi tại đây, thì chúng tôi nên đi về đâu?

Tôi xin cảm ơn ngài Chủ tịch.