Hà Nội - Sáng nay, 7/11/2017, Đại sứ quán Nhà nước Palestine tại Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông tổ chức Tọa đàm “100 NĂM TUYÊN BỐ BALFOUR” tại Hà Nội nhằm giới thiệu với các nhà nghiên cứu và những người quan tâm tới tình hình Trung Đông về Tuyên bố Balfour cùng những hậu quả của nó đối với khu vực Trung Đông, đặc biệt là với đất nước và nhân dân Palestine.
Tham dự tọa đàm có Ngài Saadi Salama, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi – Trung Đông, ông Hồ Anh Dũng, Chủ tịch Ủy ban Việt Nam Đoàn kết với Nhân dân Palestine, ông Nguyễn Quang Khai, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Palestine Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó vụ trưởng Phụ trách Vụ Trung Đông – Châu Phi, Bộ Ngoại giao Việt Nam, cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, các cựu Đại sứ, phóng viên, đại diện các cơ quan, tổ chức và cán bộ nhân viên các viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, bày tỏ niềm vui mừng và vinh dự được đón tiếp các đại biểu tới dự cuộc tọa đàm, và mong muốn sẽ có nhiều hơn những cuộc tọa đàm ý nghĩa như hôm nay để giúp giới trẻ hiểu biết hơn về lịch sử và có cái nhìn đúng đắn hơn về tương lai.
Ngài Saadi Salama, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam, cho biết năm nay, Palestine có rất nhiều hoạt động đánh dấu 100 năm Tuyên bố Balfour và cho tới ngày nay, Vương quốc Anh vẫn lảng tránh trách nhiệm lịch sử của mình khi từ chối xin lỗi một dân tộc vẫn đang phải sống lưu vong và sống dưới sự chiếm đóng do kết quả của lời hứa hẹn trái đạo lý của các chính trị gia Anh từ năm 1917.
“Khi chúng ta đánh dấu 100 năm kể từ Tuyên bố Balfour, chính phủ Anh đã nhắc lại họ tự hào ra sao về văn bản khét tiếng này, văn bản đã dẫn tới thảm họa của người Palestine cùng những hệ quả trong khu vực và trên toàn cầu. Thay vì tổ chức ăn mừng một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử của chủ nghĩa thực dân Anh, Vương quốc Anh có một trách nhiệm lịch sử và đạo đức là xin lỗi dân tộc Palestine. Đồng thời, chúng tôi kêu gọi Chính phủ Anh thực hiện ngay các hành động đền bù, bằng cách công nhận Nhà nước Palestine theo đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô, và có những bước đi cụ thể đóng góp cho việc hiện thực hóa các quyền chính trị của dân tộc Palestine, chính là những quyền đã bị Balfour bác bỏ một thế kỉ trước.
Điều này sẽ không sửa chữa được vô số hậu quả tai hại của chủ nghĩa thực dân nước ngoài trong khu vực chúng tôi, đặc biệt là tại Palestine, nhưng sẽ là một tấm gương để các nước khác trong cộng đồng quốc tế nâng cao trách nhiệm của họ trong việc làm những điều cần thiết vì một nền hòa bình công bằng và lâu dài giữa Palestine và Israel, và để một nền hòa bình rộng hơn trong khu vực Trung Đông trở thành hiện thực, thay đổi chiều hướng tương lai của chúng ta, vì một tương lai tươi sáng hơn cho các thế hệ mai sau.”
Sau phần Tham luận và trình chiếu bộ phim ngắn vô cùng ý nghĩa và xúc động với tựa đề “Con đường Balfour 100 năm”, các đại biểu tham dự hội nghị đã có một phần trao đổi thẳng thắn, sôi nổi về Tuyên bố Balfour cùng các nội dung xoay quanh văn bản này và các hệ lụy của nó.