Trang chủ Giới thiệu Palestine Lịch sử PALESTINE VÀ LIÊN HỢP QUỐC: 70 NĂM NHÌN LẠI

PALESTINE VÀ LIÊN HỢP QUỐC: 70 NĂM NHÌN LẠI

Câu chuyện của Palestine tại Liên hợp quốc bắt đầu vào ngày 29/9/1947, khi Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) thông qua Nghị quyết 181. Cái gọi là “Nghị quyết Phân chia” đã đề xuất, lần đầu tiên trong lịch sử, việc phân chia một tổ quốc thành hai nhà nước. Tròn bảy thập kỉ đã trôi qua kể từ khi nghị quyết này được thông qua, nhân dân Palestine, cho dù đang sống tha hương hay sống dưới sự chiếm đóng, vẫn tiếp tục phải chịu đựng hậu quả do thiếu hành động quốc tế nhằm thực thi các quyền bất khả xâm phạm của chúng tôi.

 

Tư cách Thành viên của Israel tại Liên hợp quốc

Israel trở thành thành viên của UNGA vào ngày 11/5/1949 thông qua Nghị quyết 273 của UNGA. Như được nêu trong nghị quyết này, tư cách thành viên của Israel được quy định: 

Lưu ý thêm tuyên bố của Nhà nước Israel rằng nước này ‘không dè dặt chấp nhận các nghĩa vụ của Hiến chương Liên hợp quốc và cam đoan tôn trọng các nghĩa vụ này từ ngày nước này trở thành một Thành viên của Liên hợp quốc’, Nhắc lại các nghị quyết ngày 29/11/1947 (Nghị quyết 181) và ngày 11/12/1948 (Nghị quyết 194) và lưu ý tới các tuyên bố và giải thích của đại diện Chính phủ Israel trước Ủy ban Chính trị đặc biệt liên quan tới việc thực thi các nghị quyết nêu trên, Đại Hội đồng… Quyết định nhận Israel làm thành viên của Liên hợp quốc”. 

Cho tới ngày hôm nay, Israel vi phạm các điều kiện họ đã chấp nhận để trở thành một thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc, bởi nước này đã không tôn trọng Nghị quyết 181 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc (về hai nhà nước) cũng như Nghị quyết 194 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc (về quyền quay trở về của người tị nạn Palestine).

 

Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tham gia Liên hợp quốc 

“Hôm nay tôi tới đây với một cành oliu và một khẩu súng của người chiến sĩ chiến đấu vì tự do. Đừng để cành oliu rơi khỏi tay tôi. Tôi xin nhắc lại: Đừng để cành oliu rơi khỏi tay tôi.” Yasser Arafat, ngày 13/11/1974. 

Ngày 12/12/1973, Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) đã thông qua nghị quyết 3102 (XXVIII) kêu gọi để các phong trào giải phóng dân tộc được mời tham dự với tư cách quan sát viên tại ‘Hội nghị Ngoại giao về sự Tái khẳng định và Phát triển Luật Nhân đạo Quốc tế Áp dụng trong Xung đột Vũ trang’ (Diplomatic Conference on the Reaffirmation and Development of International Humanitarian Law Applicable in Armed Conflicts’). Đây là điểm gia nhập để Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tham gia vào nhiều hội nghị quốc tế khác nhau. 

Ngày 14/10/1974, UNGA thông qua nghị quyết 3210 (XXIX) công nhận PLO là đại diện của dân tộc Palestine, mời PLO tới các cuộc họp do UNGA tổ chức về Vấn đề Palestine. Ngày 13/11/1974, Chủ tịch Yasser Arafat trở thành đại diện đầu tiên của một nước vẫn chưa phải là một thành viên đầy đủ của tổ chức này phát biểu trước Đại Hội đồng. Vài ngày sau đó, UNGA thông qua Nghị quyết 3237 trao vị thế quan sát viên cho PLO.

 

PLO tuyên bố thành lập Nhà nước Palestine, công nhận các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 

Ngày 15/11/1988, Hội đồng Quốc gia Palestine (PNC) tuyên bố thành lập Nhà nước Palestine (dưới sự chiếm đóng quân sự của Israel) trên vùng lãnh thổ nằm trong đường biên giới năm 1967 (Dải Gaza và Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem). Tuyên bố này thường được nhắc tới như ‘sự thỏa hiệp lịch sử của Palestine’, do việc chấp nhận Israel trên hơn 78% đất đai từng là Palestine trước năm 1948. PLO cũng công khai tán thành luật pháp quốc tế và các Nghị quyết của Liên hợp quốc. Vài tuần sau đó, Chủ tịch Arafat được mời phát biểu trước UNGA nhưng Mỹ từ chối cấp visa cho ông. Trong một động thái chưa từng có, Liên hợp quốc đã bỏ phiếu áp đảo để chuyển phiên họp ra khỏi nước Mỹ vào chào đón Chủ tịch Yasser Arafat tới phát biểu tại tổ chức này ở Geneva. 

Bài phát biểu của Chủ tịch Arafat kêu gọi các lãnh đạo Israel chấp nhận sự hòa giải quốc tế: ‘Tôi đến với các bạn nhân danh nhân dân của chúng tôi để mở rộng bàn tay để chúng ta có thể thiết lập một nền hòa bình thực sự, công bằng. Từ tiền đề này, tôi kêu gọi các lãnh đạo của Israel hãy tới đây, tới đây, dưới sự đỡ đầu của Liên hợp quốc để tạo ra nền hòa bình này. Tôi cũng nói với họ rằng dân tộc chúng tôi muốn có phẩm giá, tự do và hòa bình. Họ muốn có hòa bình cho nhà nước mình cũng giống như cho tất cả các quốc gia và các bên trong cuộc xung đột Ả Rập – Israel’. 

Sau cuộc họp này, UNGA đã lưu ý về Tuyên bố Độc lập của Nhà nước Palestine, qua nghị quyết 43/177, quyết định sử dụng tên gọi “Palestine” thay vì “Tổ chức Giải phóng Palestine” trong Hệ thống Liên hợp quốc.

 

Palestine được tham gia phiên Tranh luận Chung tại Liên hợp quốc 

Ngày 7/7/1998, UNGA thông qua nghị quyết 52/250 “Sự tham gia của Palestine trong Công việc của Liên hợp quốc”. Nghị quyết này đã mở đường cho Palestine trở thành một thành viên thường trực trong chương trình nghị sự của phiên Tranh luận Chung của UNGA hàng năm. Palestine đã lần đầu tiên được trao một diễn đàn để phát biểu trong phiên Tranh luận chung của UNGA vào năm 1988, trong phiên toàn thể thứ 53. Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Arafat nhắc lại với Đại hội rằng ‘Dân tộc Palestine… dân tộc vĩ đại này không hề phạm một tội ác nào; họ không xâm lược bất kỳ ai hay chiếm đóng đất đai của bất kỳ dân tộc nào khác. Tuy nhiên, họ là nạn nhân của sự xâm lược. Đất đai của họ đã bị chiếm đóng và họ bị đuổi đi và bị cưỡng ép phải sống tan tác và lưu vong bởi vũ lực quân sự… không thể chấp nhận việc Israel tiếp tục thống trị dân tộc Palestine”.

 

Palestine với tư cách một “Nhà nước Phi Thành viên” 

Trong suốt phiên Tranh luận Chung năm 2011 của UNGA, vấn đề tư cách nhà nước và tư cánh thành viên đầy đủ tại Liên hợp quốc của Palestine đã nhận được sự ủng hộ quốc tế quan trọng. Với một làn sóng quốc tế công nhận Nhà nước Palestine, Tổng thống Mahmoud Abbas đã đọc bài phát biểu nổi tiếng vào ngày 23/9/2011: “Sau hàng chục năm phải di dời cùng sự chiếm đóng thực dân và những đau khổ liên miên, đã đến lúc để dân tộc can đảm và đầy tự hào của chúng tôi được sống như những dân tộc khác trên trái đất, sống tự do trên một tổ quốc độc lập và có chủ quyền (…) Tôi muốn thông báo với các bạn rằng trước khi đọc tuyên bố này, tôi – với tư cách là Tổng thống Nhà nước Palestine và Chủ tịch Ban Chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine - đã trình lên Ngài Ban Ki-moon, Tổng thư ký Liên hợp quốc, lá đơn của Palestine trên cơ sở đường biên giới ngày 4/6/1967, với Al-Quds Al-Sharif là thủ đô, để trở thành một thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc”. Mặc dù tư cách thành viên đầy đủ của Palestine vẫn chưa được thông qua, nhưng năm 2012 Palestine đã được nâng cấp vị thế trong tổ chức này qua Nghị quyết 67/19 của UNGA. Nghị quyết này đã cấp cho Palestine vị thế “Nhà nước phi thành viên”, như một nhà nước theo đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô. Nghị quyết này đã được thông qua với đại đa số phiếu – 138 phiếu ủng hộ và chỉ có 9 phiếu chống. Nghị quyết 67/19: 

Quyết định trao cho Palestine vị thế Nhà nước quan sát viên phi thành viên tại Liên hợp quốc, mà không tổn hại gì đến các quyền, các đặc quyền đã có và vai trò của Tổ chức Giải phóng Palestine tại Liên hợp quốc với tư cách là đại diện của dân tộc Palestine, phù hợp với các nghị quyết liên quan và thực tiễn…” 

Nghị quyết này cũng nhấn mạnh rằng Chính phủ của Nhà nước Palestine là PLO: 

Tính đến việc Ban Chấp hành của Tổ chức Giải phóng Palestine, theo như một quyết định của Hội đồng Quốc gia Palestine, được giao các quyền lực và trách nhiệm của Chính phủ Lâm thời của Nhà nước Palestine…” 

Tòa thánh Vatican cũng có cùng vị thế như Palestine tại Liên hợp quốc. Năm 2015,  Liên hợp quốc đã bỏ phiếu ủng hộ việc treo lá cờ của các nhà nước phi thành viên. Kể từ đó, lá cờ của cả hai đã được treo tại cổng vào của các tòa nhà của Liên hợp quốc.

 

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Palestine: 

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) đã tiến hành thảo luận rất nhiều về vấn đề Palestine, mà chưa biến các thảo luận thành các biện pháp cụ thể để xử lý những vi phạm tiếp diễn và có hệ thống của Israel đối với Hiến chương Liên hợp quốc. UNSC đã thông qua một số nghị quyết quan trọng, trong đó có nghị quyết về tính không được thừa nhận của việc chiếm lãnh thổ bằng cách sử dụng vũ lực, chống lại việc sáp nhập Đông Jerusalem và các biện pháp của Israel nhằm tuyên bố Jerusalem là thủ đô của họ, kêu gọi áp dụng Luật Nhân đạo Quốc tế tại Lãnh thổ bị Chiếm đóng, cũng như một số nghị quyết về tính bất hợp pháp của các khu định cư Israel, bao gồm Nghị quyết 2334 mới nhất của UNSC, được thông qua ngày 23/12/2016: 

“(UNSC) Tái khẳng định rằng việc Israel thành lập các khu định cư trên lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng từ năm 1967, bao gồm Đông Jerusalem, là không có giá trị pháp lý và cấu thành một vi phạm trắng trợ theo luật pháp quốc tế và là một rào cản chính đối với việc đạt được giải pháp Hai Nhà nước và một nền hòa bình công bằng, lâu dài và toàn diện”.

 

Kết luận: Liên hợp quốc cần có hành động cụ thể ở Palestine 

Kể từ khi Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định phân chia Palestine 70 năm trước, dân tộc Palestine đã phải chịu đựng một trong những bất công lớn nhất từng có trong hệ thống quốc tế. Bị từ chối quyền chính trị là quyền tự quyết và quyền được quay trở về, sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Palestine ban đầu được cộng đồng quốc tế đối xử như một ‘vấn đề nhân đạo’. Chỉ đến thập niên 70, tiếng nói tập thể của người Palestine mới được lắng nghe tại Liên hợp quốc, thông qua PLO. 

Kể từ đó tới nay, nhiều nghị quyết đã được thông qua, tái khẳng định các quyền bất khả xâm phạm của dân tộc Palestine và lên án các tội ác và sự vi phạm của Israel; song vẫn chưa có hành động nào. Israel thậm chí còn được cho phép tiếp tục vi phạm các điều kiện mà nhờ đó họ mới được trao tư cách thành viên đầy đủ tại Liên hợp quốc. Đồng thời, người Palestine tiếp tục bị từ chối quyền được bảo vệ, có nhà nước độc lập của riêng mình, và quay trở về tổ quốc mình. 

Đã có một số hành động ở cấp độ Liên hợp quốc – Hội đồng Nhân quyền, bao gồm sự hiện diện của Điều 7 về tình hình Nhân quyền tại Các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng từ năm 1967, và quyết định được đưa ra vào tháng 3 năm 2016 là ban hành một danh sách các công ty liên quan tới sự chiếm đóng và thuộc địa hóa của Israel đối với Palestine. Danh sách này dự kiến sẽ được công bố trước khi kết thúc năm nay, bất chấp các nỗ lực vận động hành lang từ một số bên nhằm duy trì quyền ‘không bị trừng phạt’ của Israel và sự vi phạm có hệ thống của họ đối với các quyền của người Palestine. 

Để cứu vãn những triển vọng về một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Trung Đông, cũng như để bảo vệ sự tín nhiệm và sứ mệnh của Liên hợp quốc, các thành viên của cộng đồng quốc tế phải xây dựng các cơ chế cụ thể về thực thi và trách nhiệm giải trình liên quan tới những vi phạm có hệ thống đối với Luật Nhân đạo Quốc tế, Luật Nhân quyền và các nghị quyết của Liên hợp quốc.

 

 

Ngày 20/9/2017 

Nguồn: Phòng Đàm phán, PLO