|
|
Nguyên nhân trực tiếp làm nổ ra phong trào Intifada lần thứ nhất là một vụ tai nạn do xe tải quân sự của Israel gây ra vào ngày 9/12/1987 tại trại tị nạn Jabaliya ở Dải Gaza, làm 4 người Palestine thiệt mạng và vài người khác bị thương. Sau đó, những cuộc biểu tình lớn dẫn đến các cuộc đụng độ giữa thanh niên Palestine và quân đội chiếm đóng Israel. Trong nhiều ngày và nhiều tuần sau đó, quân đội Israel không thường xuyên kiểm soát được tình hình bất ổn lan rộng. Sự nổi dậy của người Palestine chống lại sự đàn áp kéo dài và việc tước đoàn hoàn toàn quyền công dân, chống lại việc tịch thu đất đai, các khu định cư và sự bóc lột về kinh tế nhanh chóng được đặt cho một cái tên: Phong trào Intifada.
|
Israel đáp trả bằng chính sách “Bàn tay sắt”: các lệnh giới nghiêm, bắt giữ hàng loạt, tra tấn và sau đó là trục xuất. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yitzhak Rabin ra lệnh “đập gãy xương” những người biểu tình trẻ. Nhưng tất cả những điều này không thể dập tắt sự kháng cự của người Palestine. Toàn bộ dân chúng từ mọi tầng lớp xã hội đều tham gia vào cuộc nổi dậy. Các Ủy ban được thành lập, không chỉ để tổ chức các cuộc nổi dậy và biểu tình hàng ngày, tẩy chay các loại thuế và hàng hóa của Israel, mà còn để quản lý những vấn đề xã hội quan trọng như chăm sóc y tế, giáo dục, hay hỗ trợ tài chính cho gia đình những người bị bắt giam… Nhân tố quyết định là sự xuất hiện của “Nhóm lãnh đạo Liên minh Quốc gia của Phong trào Intifada” (viết tắt là VNFI) trên các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng vào đầu năm 1988. Nhóm này thuộc Phong trào Fatah, bên cạnh các đảng phái khác ở Palestine như Jihad, DFLP, PFLP và Đảng Cộng sản Palestine. VNFI hoạt động thông qua các tờ rơi được ấn bản thường xuyên, trong đó vạch rõ các cuộc tấn công và biểu tình. Mục đích của các nhà hoạt động trong phong trào Intifada là chấm dứt sự chiếm đóng của Israel, xây dựng một nhà nước Palestine độc lập dựa trên các quyền bất khả xâm phạm và quyền tự quyết của người dân Palestine, dưới sự lãnh đạo của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).
PLO lãnh đạo
Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã theo dõi sát sao các sự kiện ở Bờ Tây và Dải Gaza từ nhiều tháng trước khi Phong trào Intifada nổ ra và thành lập một mạng lưới rộng lớn các tổ chức nhằm đảm bảo sự liên hệ giữa “bên trong” và “bên ngoài”. Chỉ trong vòng vài tuần, PLO đã nắm quyền lãnh đạo phong trào nổi dậy, đưa ra mục tiêu đường hướng chính trị cho phong trào và tạo tiền đề để đảm bảo cuộc khởi nghĩa sẽ tiếp tục diễn ra trong nhiều năm.
Ngày 31/7/1988, trong một bài phát biểu trên truyền hình, Vua Hussein của Jordan đã tuyên bố chấm dứt mọi mối liên hệ hành chính và chính trị với Bờ Tây. Sự rút lui này là một chiến thắng quan trọng của Phong trào Intifada. Vài ngày sau đó, PLO tuyên bố sẽ chịu trách nhiệm với những vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.
Vào thời điểm này, một phong trào mới xuất hiện: Hamas. Được Tổ chức Anh em Hồi giáo Palestine xây dựng như một phong trào toàn dân, Hamas nhanh chóng lan rộng trong nhân dân ở Dải Gaza, Hebron và Nablus. Hamas từ chối đàm phán với Israel và tuyên bố theo đường lối đấu tranh vũ trang cho tới khi giải phóng hoàn toàn Palestine. Chính Israel cũng khuyến khích sự ra đời của Hamas (bằng tài chính) để tạo nên một đối trọng của PLO trên các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Tuy nhiên, kế hoạch này đã thất bại.
Tuyên bố thành lập Nhà nước Palestine
Phong trào Intifada lên đến đỉnh điểm vào ngày 15/11/1988. Vào ngày này, tại phiên họp thứ 19 ở Algiers, Hội đồng Quốc gia Palestine (PNC) đã tuyên bố thành lập Nhà nước Palestine độc lập với Đông Jerusalem là thủ đô. Ngoài ra, PNC cũng công nhận kế hoạch phân chia năm 1947 của Liên Hợp Quốc (Nghị quyết 181) và tuyên bố từ chối đàm phán trực tiếp với Israel, dựa trên Nghị quyết 242 của Liên Hợp Quốc. 5 năm sau đó, Thỏa thuận Gaza-Jericho được ký kết, theo đó Palestine công nhận sự tồn tại của Israel và cam kết với giải pháp 2 Nhà nước. Trong khi rất nhiều quốc gia công nhận Nhà nước Palestine thì Israel vẫn chưa thể có một bước đi táo bạo và công nhận Nhà nước Palestine.
Những bước đầu tiên tới đàm phán hòa bình
Sau khi Chiến tranh Vùng Vịnh kết thúc, Mỹ chủ trương đưa ra một “trật tự thế giới mới”. Dưới sự bảo trợ của Mỹ và Liên Xô, Hội nghị Hòa bình Madrid đã được tổ chức tại Madrid, Tây Ban Nha, vào tháng 10/1991. Các phái đoàn từ Israel, Ai Cập, Syria, Li băng, Jordan và Palestine đã thống nhất về các đàm phán song phương và các cuộc gặp đa phương, nhằm giải quyết các xung đột và vấn đề về hợp tác kinh tế, môi trường, nguồn nước, người tị nạn và kiểm soát vũ khí.
Tuy nhiên, ngay cả chiến thắng của ông Yitzhak Rabin trong các cuộc bầu cử nghị viện ở Israel vào tháng 6/1992 cũng chưa làm thay đổi ngay được tình hình bế tắc. Tháng 12/1992, 415 người Palestine đã bị trục xuất tới vùng giới tuyến giữa Libăng và Israel. Phong trào Intifada vẫn không suy yếu đi, trong khi tình hình kinh tế của người Palestine ngày cảng xấu đi, sự vi phạm các quyền con người, việc tịch thu đất đai và xây dựng các khu định cư nhanh chóng tiếp diễn. Tháng 3/1993, chính phủ Israel đã gần như đóng cửa toàn bộ các vùng lãnh thổ của Palestine, khiến đa số người dân Palestine không thể vào được Đông Jerusalem và các địa danh linh thiêng.
Theo sáng kiến của Bộ trưởng Ngoại giao Nauy Johan Holst, vào tháng 1/1993, vòng đầu tiên của một cuộc đàm phán bí mật giữa Israel và PLO đã được tổ chức tại Nauy. Đến tháng 2 và tháng 3, bản dự thảo của Tuyên bố nguyên tắc đã được soạn thảo tại Nauy. Sau một số bất đồng, cuối cùng Palestine và Israel, với sự hòa giải của Ngoại trưởng Nauy Holst, đã đi đến thỏa thuận vào tháng 8/1993. Bản Tuyên bố Nguyên tắc về Chính phủ tự điều hành lâm thời (Declaration of Principles on Interim Self-Government) đã được ký kết tại một buổi lễ bí mật vào ngày 19/8/1993. Một tháng sau đó, Chủ tịch Palestine Yasser Arafat và Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin trao thư, trong đó công nhận sự tồn tại của nhau. Sau đó, bản Tuyên bố Nguyên tắc được ông Mahmoud Abbas, khi đó là Ủy viên Ban Chấp hành PLO và là cố vấn thân cận của Yasser Arafat, và Bộ trưởng Ngoại giao Israel Shimon Peres chính thức ký kết vào ngày 13/9/1993.
© 2011 Embassy of the State of Palestine