Nguồn nước

1.Tóm tắt

Trung Đông là một trong những vùng thiếu nước nhất trên thế giới. Vì thế việc chia sẻ nguồn nước công bằng là điều vô cùng quan trọng. Từ khi chiếm đóng oPt (các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng) năm 1967, Israel hoàn toàn kiểm soát các nguồn nước của chúng tôi và không chia cho chúng tôi đủ nước, vi phạm luật pháp quốc tế. Thay vào đó, Israel sử dụng các nguồn nước của chúng tôi cho các khu định cư trái phép và chính dân cư của mình, buộc các cộng đồng Palestine phải mua nước từ các công ty của Israel với giá cao.

Tiêu thụ nước

Các nguồn nước chính của cả người Israel và Palestine là (i) nước bề mặt, gồm có Sông Jordan và Wadi Gaza, và (ii) các nguồn nước ngầm, hay tầng ngậm nước, nằm dưới Bờ Tây bị chiếm đóng và Dải Gaza.

Israel sử dụng khoảng 86% các nguồn nước ngọt chung (bao gồm cả các nguồn nước ngầm và nước bề mặt), chỉ để lại cho người dân Palestine chưa đầy 14%, mặc dù phần lớn các khu vực nơi các lưu vực nước ngầm được “nạp nguồn nước” đều nằm trong oPt. Nếu hiện nay các nguồn nước được phân chia đồng đều trên đầu người, thì chúng tôi sẽ nhận dc khoảng 38% tổng nguồn nước, thay vì chưa đầy 14% như đã đề cập.

Do đó, mỗi người Palestine sống tại oPt chỉ nhận được trung bình chưa đầy 60 lít nước/ngày cho các sinh hoạt thường ngày trong nhà, so với mức trung bình 280 lít/người/ngày của người Israel. Tính trung bình, chúng tôi sử dụng ít hơn 100 lít/ngày so với tiêu chuẩn lượng nước tối thiểu trên đầu người/ngày của Tổ chức Y tế Thế giới.

Sự kiểm soát nguồn nước của Israel

Từ năm 1967, Israel đã chiếm gần như toàn bộ quyền kiểm soát đối với tất cả các nguồn nước của chúng tôi, do đó không cho chúng tôi quyền tiếp cận và kiểm soát một trong các nguồn tài nguyên thiên nhiên thiết yếu của mình. Các biện pháp phân biệt đối xử của chính quyền Israel bao gồm:

  • Hạn chế cho chúng tôi đào các giếng nước mới (Đặc biệt là ở phía tây lưu vực sông)
  • Hạn chế cho chúng tôi bơm hút hoặc đào sâu các giếng nước hiện tại
  • Không cho chúng tôi tiếp cận Sông Jordan từ năm 1967
  • Hạn chế cho chúng tôi tiếp cận các khu vực có các dòng suối nước ngọt
  • Giới hạn chúng tôi sử dụng nước bề mặt
  • Giới hạn chúng tôi phát triển cơ sở hạ tầng về nước sạch và nước thải

Trong khi đó, các giếng nước cho các khu định cư của Israel (rất nhiều trong số các khu định cư này được bố trí có chiến lược tại các khu vực có tiềm năng nước ngầm cao) lại được phê duyệt không chần chừ và thường xuyên được đào sâu xuống tầng ngậm nước. Do tỷ lệ bơm hút cao, những giếng nước này thường nhanh cạn hơn so với những giếng nông hơn của người Palestine ở gần đó. Hệ quả của những hành động này của Israel là buộc các cộng đồng của chúng tôi phải mua nước với giá cao từ các công ty của Israel.

Việc sử dụng các nguồn nước một cách bất công của Israel vẫn tiếp tục diễn ra trong các cuộc đàm phán Oslo. Theo Hiệp định lâm thời Palestine – Israel năm 1995, chúng tôi sẽ khai thác bổ sung 70-80 triệu m3 nước/năm từ tầng ngậm nước ở lưu vực phía đông và các nguồn khác đã được thỏa thuận ở Bờ Tây, như một giải pháp tạm thời trong giai đoạn chuyển giao. Lượng nước này vẫn thấp hơn rất nhiều so với một lượng nước được phân chia công bằng và hợp lý từ các nguồn nước chung. Tuy nhiên, trên thực tế, cho tới nay chúng tôi chỉ được Israel chia cho trung bình chưa đầy một nửa lượng nước đó (24 triệu m3/năm). Trong khi đó, dân số của chúng tôi đã tăng gấp đôi kể từ ngày ký Hiệp định Oslo, cũng có nghĩa là lượng nước chúng tôi được sử dụng, tính trên đầu người, đã sụt giảm nghiêm trọng.

Trong suốt giai đoạn trước Hiệp định Oslo, khi Israel là nước duy nhất chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến nước ở oPt, Israel đã không đầu tư thích đáng vào cơ sở hạ tầng về nước để phục vụ các cộng đồng của chúng tôi. Từ khi ký Hiệp định Lâm thời, Israel đã liên tục sử dụng quyền phủ quyết để ngăn cản chúng tôi thực hiện các dự án phát triển tài nguyên nước ngầm ở Bờ Tây.

Bên cạnh việc sử dụng lượng nước không cân xứng, các khu định cư của Israel còn gây ra những sự tàn phá nghiêm trọng cho môi trường. Người định cư thải nước thải sinh hoạt, nước thải nông nghiệp, công nghiệp và chất thải rắn ra các thung lũng ở gần đó mà không qua xử lý. Các ngành công nghiệp gây ô nhiễm như nhôm và nhựa, cũng như các khu xử lý chất thải, được chuyển vào Bờ Tây, đặc biệt là trong vòng 20 năm qua do Israel thắt chặt kiểm soát về môi trường. Những hoạt động này đe dọa đến chất lượng các nguồn nước ngầm và nước bề mặt chung của cả hai bên.

2.Thông tin cơ bản

  • Israel hút nước từ Hồ Tiberias (Biển Galilee) và đưa từ lưu vực Sông Jordan về các thành phố ven biển và Sa mạc Naqab thông qua Kênh vận chuyển nước Quốc gia. Lượng nước được chuyển hướng dòng chảy (khoảng 440 đến 600 triệu m3/năm) là những dòng nước không phải chảy tự nhiên từ Hồ Tiberias xuống khu vực thấp hơn của Sông Jordan. Đây là một trong những lý do chính khiến mực nước ở Biển Chết xuống thấp hơn.
  • Lượng nước ngọt mà chúng tôi có thể tiếp cận (tính trên đầu người) đã giảm rõ rệt từ khi có Hiệp định Lâm thời năm 1995.
  • Lượng nước tiêu thụ tính trên đầu người ở Israel cao gấp hơn 4 lần so với ở oPt.
  • Nước ngầm ở Gaza đang trong tình trạng khủng hoảng, do người Israel bơm hút rất nhiều từ những giếng nước lớn quanh Gaza, do việc bơm quá tải bên trong Gaza vì sự khan hiếm nước do sự áp đặt của Israel, và do sự ô nhiễm bắt nguồn từ 2 yếu tố trên, cũng như khả năng xử lý chất thải yếu kém ở Dải Gaza. Do đó, đa số người dân Palestine ở Dải Gaza không có nguồn nước uống an toàn. Khoảng 60% các loại bệnh tật ở Dải Gaza bắt nguồn từ nước bẩn. Theo các báo cáo của Ngân hàng Thế giới và Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP), chỉ có khoảng 5-10% giếng nước uống ở Gaza có thể cung cấp nước uống an toàn.

3. Luật pháp quốc tế

  • Luật quốc tế về nước xác nhận các quyền sử dụng nước của các bên. Các tiêu chuẩn áp dụng bao gồm những tiêu chuẩn được nêu trong Quy tắc Helsinki năm 1966 về việc Sử dụng Nước từ các Dòng sông Quốc tế và Công ước 1997 của Liên Hợp Quốc về Luật Sử dụng Không điều hướng các Nguồn nước Quốc tế.
  • Luật quốc tế về nước kêu gọi phân bổ nước “công bằng và hợp lý” giữa hai hoặc nhiều bên cùng sở hữu các nguồn nước chung.
  • Quyền tiếp cận nguồn nước là một quyền của con người. Ủy ban về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa của Liên Hợp Quốc đã từng lưu ‎ý rằng: “Quyền được tiếp cận nguồn nước là điều không thể thiếu cho một cuộc sống có phẩm giá của con người. Nó là một điều kiện tiên quyết để thực hiện các quyền con người khác.”

4. Quan điểm của chúng tôi

Việc đạt được các quyền về nước và phân bổ nước công bằng là những điều không thể thiếu để thực hiện thành công giải pháp hai nhà nước và có được sự ổn định chính trị trong tương lai trong khu vực. Các vấn đề về nước có liên quan và tác động tới rất nhiều vấn đề khác sẽ được đàm phán như đường biên giới, các khu định cư, quan hệ kinh tế và người tị nạn…

Chúng tôi phải có quyền kiểm soát và tiếp cận các nguồn nước của mình. Chúng tôi chấp nhận nguyên tắc của luật quốc tế về nước quy định rằng cả Israel và Palestine đều có quyền được phân bổ công bằng và hợp lý các nguồn nước ngọt chung, trong đó có bốn tầng ngậm nước chính (ở phía Đông, Đông bắc, phía Tây và ven biển), Sông Jordan và Wadi Gaza.

 

Nguồn: Negotiations Affairs Department - PLO