Người tị nạn

  1. Tóm tắt

Thảm cảnh của gần 7 triệu người tị nạn Palestine là vấn đề điển hình nhất trong các vấn đề của Palestine trong thế kỷ 20. Ước tính 70% toàn bộ người Palestine trên khắp thế giới là người tị nạn, trong khi một trong 3 người tị nạn trên thế giới là người Palestine. Gần một nửa số người tị nạn Palestine không có tư cách công dân. Trong nhiều thập kỷ, Israel đã từ chối quyền được trở về của người tị nạn Palestine, vi phạm Nghị quyết 194 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, trong khi cho người Do thái nhập cư tự do vào Israel.

Người tị nạn Palestine thiếu những quyền cơ bản nhất của con người, không có sự bảo vệ và hỗ trợ quốc tế phù hợp, và phải chịu đựng những hậu quả chính từ cuộc xung đột đang tiếp diễn với Israel. Một giải pháp công bằng về vấn đề người tị nạn – thừa nhận quyền được trở về và cho họ nhiều lựa chọn có ý nghĩa – là điều cốt lõi để có được một giải pháp được đàm phán thành công đối với cuộc xung đột Israel – Palestine.

Lịch sử tóm tắt về Vấn đề Người tị nạn

Từ năm 1947 đến 1949, hơn 726.000 người Palestine đã bị trục xuất hoặc bị buộc phải rời khỏi nhà cửa của họ và trở thành người tị nạn trước, và ngay lập tức sau khi nhà nước Israel tuyên bố thành lập. Rất nhiều người bỏ chạy trước những cuộc tấn công quân sự trực tiếp, trong khi những người khác bỏ đi vì sợ bị lực lượng dân quân Do thái tấn công. Khoảng 150.000 người Palestine ở lại các vùng đất của Palestine mà sau đó trở thành Nhà nước Israel, trong đó có 46.000 bị đuổi khỏi nhà trong suốt cuộc chiến tranh. Israel đã từ chối cho những người Palestine bị trục xuất nội địa này được trở về nhà cửa, làng mạc của họ.

Trong suốt giai đoạn Israel chiếm đóng quân sự ở Bờ Tây và Dải Gaza năm 1967, gần 300.000 người Palestine đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ ở đó để chuyển đến những nơi khác trên các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng (occupied Palestinian territories - oPt) cũng như ra ngoài đường biên vùng. Trong làn sóng người Palestine bỏ chạy này có gần 120.000 người đã từng bị đuổi đi vào năm 1948. Kể từ năm 1967, chúng tôi đã phải tiếp tục chịu đựng tình trạng bị đuổi đi từ oPt hoặc trong nội bộ oPt do các chính sách của Israel như phá hủy nhà cửa, đuổi ra khỏi nhà, tịch thu đất đai, thu hồi quyền cư trú, xây dựng các khu định cư và Bức tường Chia cắt, cũng như sự hiện diện hùng hậu của quân đội hỗ trợ Israel. Cả người tị nạn năm 1948 và năm 1967, cả những người bị trục xuất nội địa đều không được Israel cho phép trở về nhà của họ trên những vùng đất mà hiện nay là Israel và các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng (oPt).

Những người Palestine bị trục xuất hoặc bỏ trốn khỏi bạo lực tại thời điểm năm 1948 đã bị Quốc hội Israel tước quyền công dân năm 1952. Tài sản của họ bị tịch thu và cuối cùng được chuyển giao cho Nhà nước Israel vì quyền lợi gần như dành riêng cho người Do thái. Trong suốt và sau cuộc chiến tranh năm 1948, hơn 400 ngôi làng của người Palestine đã bị sụt giảm dân số và bị phá hủy. Israel đã xây dựng những cộng đồng mới chỉ có người Do thái trên đất đai của một số ngôi làng đã bị phá hủy đó. Như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Dayan từng tuyên bố vào năm 1969, “Những ngôi làng Do thái được xây dựng thay thế những ngôi làng Ả Rập. Các bạn thậm chí còn không biết tên của những ngôi làng Ả Rập đó, và tôi không trách các bạn vì sách địa lý không còn tồn tại nữa; không chỉ những quyền sách đã biết mất, mà những ngôi làng Ả Rập cũng vậy. Làng Nahlal mọc lên thay thế cho làng Mahlul; Kibbutz Gvat thay cho Jibta; Kibbutz Sarid thay cho Huneifis; và Kefar Yehushu’a mọc lên tại nơi từng là làng Tal al-Shuman. Không có nơi nào được xây dựng lên trên đất nước này lại chưa từng có những người dân Ả Rập sinh sống.”

Tuy nhiên, theo một số ước tính, 90% diện tích các ngôi làng của chúng tôi từng bị Israel phá hủy trong và sau cuộc xâm lược năm 1948 hiện vẫn đang bỏ trống. Ngược lại, đa số nhà cửa của những người tị nạn trong các trung tâm đô thị lại được giữ nguyên vào năm 1948 nhưng lại bị người Do thái nhập cư chiếm giữ.

 

  1. Các thông tin cơ bản
  • Hiện nay có 7 triệu người tị nạn Palestine; đa số sống trong vòng 100km quanh đường biên giới của Israel.
  • 1,4 triệu người tị nạn đã đăng ký với Cơ quan Cứu trợ và Việc làm cho Người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) hiện đang sống tại 58 trại tị nạn chính thức của UNRWA ở oPt, Jordan, Syria và Li băng (“những nước chủ nhà”). Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người tị nạn chưa đăng ký với UNRWA cũng sống trong các trại tị nạn này, và cũng có những người khác sống tại những trại tị nạn chưa được UNRWA hay nước chủ nhà thừa nhận.
  • Nhóm dân số sống trong trại tị nạn lớn nhất cư trú ở Dải Gaza. Libăng là nước có tỷ lệ số người sống trong các trại tị nạn so với tổng số người tị nạn Palestine ở một nước chủ nhà cao nhất.
  • Khoảng 770.000 người tị nạn đã đăng ký sống ở Bờ Tây bị chiếm đóng, trong đó có Đông Jerusalem. Trong số này, gần 190.000 người sống ở 19 trại tị nạn ở Bờ Tây và Đông Jerusalem. Hơn một triệu người tị nạn đã đăng ký cư trú ở Dải Gaza. Khoảng 500.000 người sống tại một trong 8 trại ở Dải Gaza. Người tị nạn của chúng tôi ở các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng (oPt) cũng có các quyền về nhà ở, y tế, việc làm và giáo dục giống như những người không tị nạn.
  • Chế độ đối xử với người tị nạn Palestine không giống nhau ở từng nước chủ nhà. Jordan cấp quyền công dân cho phần lớn người tị nạn di cư từ năm 1948, cùng với các quyền dân sự và xã hội. Người Palestine sống ở Syria có các quyền và nghĩa vụ giống các công dân Syria, ngoại trừ quốc tịch và các quyền chính trị. Ở Li băng, người tị nạn của chúng tôi bị phân biệt đối xử nghiêm trọng, như không có các quyền cơ bản về y tế, giáo dục và việc làm. Trong khi các quy định mới đây đã cải thiện trên giấy tờ phần nào các quyền về việc làm của người tị nạn Palestine, nhưng trong thực tế, người tị nạn vẫn bị cấm làm việc trong nhiều ngành nghề, trong đó có ngành dược, báo chí, ngành y và luật. Họ cũng bị cấm sở hữu bất động sản. Ngoài ra, việc xây dựng bên trong hoặc xung quanh các trại tị nạn của người Palestine ở Libăng bị nghiêm cấm chặt chẽ.
  • Ngày nay người Palestine là một dân tộc bị phân tán rải rác ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có hầu hết các quốc gia Ả Rập, Châu Âu, Bắc và Nam Mỹ. Nhưng, trong khi Luật Quay trở về của Israel cho phép bất kỳ người Do thái nào cư trú ở bất kỳ đâu trên thế giới đều được phép sống tại Israel và các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, bất chấp họ có dòng dõi trực tiếp ở các vùng lãnh thổ này hay không, thì những người Palestine sinh ra tại đó, có chìa khóa của những căn nhà và quyền sở hữu đất đai nhà cửa ở Palestine lịch sử lại không có ngay cả quyền được về thăm gia đình, nhà cửa và quê cha đất tổ của mình.

 

  1. Luật pháp quốc tế

Năm 1948, trước làn sóng người Palestine bị đuổi khỏi quê hương, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết 194, trong đó có đoạn 11 có viết rằng:

những người tị nạn (Palestine) muốn quay trở về nhà mình và chung sống hòa bình với láng giềng nên được cho phép làm điều này vào ngày sớm nhất có thể, và các khoản đền bù nên được trả cho tài sản của những người chọn không quay trở về và cho những thiệt hại/mất mát đối với tài sản mà theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế hoặc vì sự công bằng, nên được bồi thường bởi các chính phủ hoăc chính quyền có trách nhiệm.

Nghị quyết 194 đã công nhận quyền của người tị nạn là được lựa chọn sẽ hồi hương về nơi hiện nay là Israel hay tái định cư ở nơi nào khác, và đã hệ thống hóa các nguyên tắc đã được chấp nhận trong luật và tập quán quốc tế. Kể từ khi được đưa ra, Nghị quyết này đã được Đại Hội đồng tái khẳng định hàng năm.

Quyền được trở về của người tị nạn Palestine cũng đã được quy định từ lâu theo các luật quốc tế khác, như:

  • Tuyên bố Toàn cầu về Các quyền Con người (năm 1948): “Ai cũng có quyền rời bỏ bất kỳ đất nước nào, kể cả đất nước của chính người đó, và quyền quay trở về đất nước của mình” (Điều 13(2)).
  • Hiệp ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị: “Không ai bị tước đoạt tùy tiện quyền được vào chính đất nước của mình” (Điều 12(4)).
  • Các Nguyên tắc về Nhà ở và Hoàn trả tài sản cho Người tị nạn và những Người buộc phải chuyển chỗ ở của Tiểu ban về Các quyền Con người của Liên Hợp Quốc: “Tất cả người tị nạn và những người buộc phải chuyển chỗ ở đều có quyền tự nguyện quay trở về ngôi nhà trước đây của họ, trong sự an toàn và danh dự” (Điều 10.1)… “Bên cạnh quyền được trở về, những người tị nạn và người buộc phải chuyển chỗ ở phải được quyền theo đuổi một cách hiệu quả các giải pháp lâu dài đối với việc buộc phải chuyển đi, nếu họ muốn, mà không phương hại đến quyền được trả lại nhà ở, đất đai và tài sản của họ” (Điều 10.3).
  • Ủy ban Xóa bỏ sự Phân biệt Chủng tộc của Liên Hợp Quốc: “Ủy ban lo ngại về việc rất nhiều người Palestine bị từ chối quyền được trở về và tái sở hữu đất đai của họ ở Israel (Điều 5(d) (ii) và (v)). Ủy ban nhắc lại quan điểm của mình như đã được nêu trong các báo cáo quan sát tổng kết trước đây về vấn đề này và kêu gọi Nhà nước Israel đảm bảo sự bình đẳng trong quyền được quay về đất nước của một người và quyền sở hữu tài sản” (Điều 18).

 

  1. Quan điểm của chúng tôi

Chúng tôi đòi hỏi một giải pháp công bằng đối với vấn đề người tị nạn Palestine phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Nghị quyết 194 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Một giải pháp công bằng phải dựa trên quyền được trở về và việc bồi thường thiệt hại chiến tranh. Quan điểm của chúng tôi về người tị nạn cũng được nêu tại và được ủng hộ bởi Sáng kiến Hòa bình Ả Rập (API), sáng kiến kêu gọi “một giải pháp công bằng đối với vấn đề người tị nạn Palestine sẽ được thỏa thuận phù hợp với Nghị quyết 194 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.” Một giải pháp công bằng đối với vấn đề người tị nạn cần phải giải quyết được 2 khía cạnh: quyền được trở về và bồi thường thiệt hại.

Quyền được Trở về

Chìa khóa cho giải pháp về vấn đề người tị nạn là việc Israel công nhận các nguyên tắc áp dụng và các quyền của người tị nạn, trong đó có quyền được trở về nhà cửa và đất đai của người tị nạn Palestine. Việc Israel công nhận quyền được trở về sẽ mở đường để đàm phán quyền đó sẽ được thực thi như thế nào. Sự lựa chọn là một phần quan trọng của quá trình này. Người tị nạn của chúng tôi phải được phép lựa chọn cách thực thi các quyền và bình thường hóa địa vị của mình. Các lựa chọn cho người tị nạn của chúng tôi nên là: trở về Israel, trở về/tái định cư tại một Nhà nước Palestine trong tương lai, hòa nhập ở các nước chủ nhà, hoặc tái định cư ở các nước thứ ba. Sự phục hồi dưới hình thức đào tạo chuyên môn, giáo dục, dịch vụ y tế, cung cấp nhà ở,… cũng là một phần cần thiết của mỗi lựa chọn.

 

Bồi thường thiệt hại

Việc bồi thường thiệt hại bao gồm ba yếu tố. Thứ nhất là việc Israel thừa nhận vai trò của mình trong việc tạo ra và duy trì làn sóng người tị nạn Palestine. Israel có thể có bài diễn văn tường thuật của riêng mình để giải thích các hoàn cảnh quanh việc tạo ra những người tị nạn Palestine, nhưng họ không thể chối bỏ rằng khi những người tị nạn của chúng tôi muốn quay trở về nhà họ, Israel đã ngăn chặn các nỗ lực của họ một cách có hệ thống và rất cứng rắn. Cho tới nay, Israel vẫn tiếp tục chối bỏ quyền được trở về của họ. Israel phải thừa nhận một cách rõ ràng trách nhiệm của mình đối với các hành động này, nếu muốn có một giải pháp công bằng, hòa bình và lâu dài cho cuộc xung đột này.

Sự hoàn trả là yếu tố thứ hai của việc bồi thường. Theo luật pháp quốc tế, hoàn trả là giải pháp hàng đầu cho những tài sản đã bị tịch thu tùy tiện. Nếu việc hoàn trả không thể thực hiện được về mặt vật chất, hoặc thiệt hại không thể được bù đắp chỉ bằng sự hoàn trả, hoặc nếu một người tị nạn chọn đền bù thay cho hoàn trả, thì khoản đền bù đó phải đầy đủ và trọn vẹn. Hoặc có thể đền bù tương đương bằng những khu đất trống ở Israel.

Đền bù là yếu tố thứ ba của việc bồi thường và gồm có 3 lĩnh vực. Người tị nạn phải được đền bù cho những tài sản không thể hoàn trả được (hoặc nếu người tị nạn chọn đền bù thay cho hoàn trả), cho những thiệt hại về vật chất (các vật dụng cá nhân, kế sinh nhai,…) và cho những thiệt hại phi vật chất (những nỗi đau và sự chịu đựng bắt nguồn từ việc buộc phải chuyển đi một thời gian dài).

 

 

Nguồn: Negotiations Affairs Department - PLO