Jerusalem

1.Tóm tắt

Trong suốt hàng trăm năm, Jerusalem là trái tim chính trị, hành chính và tinh thần của Palestine. Thủ đô Đông Jerusalem – khu vực trải rộng từ Ramallah tới Bethlehem – từ lâu đã là động lực của nền kinh tế Palestine. Thực tế, gần 1/3 hoạt động kinh tế của chúng tôi tập trung quanh Đông Jerusalem. Với tầm quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội và tôn giáo của Đông Jerusalem, thì sẽ không thể có một nhà nước Palestine độc lập nếu không có Đông Jerusalem.

Mặc dù thành phố này là trung tâm của cả ba tôn giáo lớn, nhưng từ năm 1967 Israel đã theo đuổi một cách có hệ thống các chính sách nhằm đảm bảo sự kiểm soát độc quyền đối với thành phố này, bất chấp các quyền của người dân Palestine Thiên Chúa giáo và Hồi giáo bản địa. Bằng cách đó, Israel đang đơn phương chiếm quyền kiểm soát Đông Jerusalem, thủ đô tương lai của nhà nước của chúng tôi, do đó de dọa khả năng thực hiện giải pháp hai nhà nước.

Lịch sử hiện đại của Thành phố Thiêng: Giới thiệu tóm tắt

  • Khi Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đề xuất kế hoạch chia cắt Palestine năm 1947, Jerusalem và các vùng lân cận (bao gồm thành phố Bethlehem ở phía nam) dự định sẽ được quản lý trên phạm vi quốc tế như một cá thể riêng biệt. Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh năm 1948, Israel đã xâm lược thành phố quốc tế này và chiếm đóng 85% lãnh thổ thành phố.
  • Tháng 6/1967, Israel chiếm đóng phần còn lại của Jerusalem, hay “Đông Jerusalem”, bao gồm cả Khu Phố Cổ. Chỉ vài tuần sau đó, Israel đơn phương mở rộng các đường biên của Jerusalem, nới rộng Đông Jerusalem gấp 10 lần. Các đường biên mới được vẽ lên để sáp nhập cả những vùng đất chưa phát triển của Palestine và loại bỏ các trung tâm dân cư của chúng tôi. Trong suốt những năm 1970, những vùng đất đai chưa phát triển đó đã bị Israel tịch thu trái phép để xây dựng các khu định cư, vi phạm luật pháp quốc tế.
  • Với sự mở rộng của các đường biên thành phố Jerusalem, Israel đã áp dụng luật lệ, việc quản lý hành chính và thẩm quyền của mình đối với khu vực mở rộng của thành phố Jerusalem (một khu vực sau đó bao phủ 72km2 hay 1,3% diện tích của Bờ Tây), với âm mưu rõ ràng là sáp nhập trên thực tế Đông Jerusalem và các phần của Bờ Tây. Sự sáp nhập này vi phạm việc cấm mở rộng thêm lãnh thổ bằng vũ lực và đã bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tuyên bố là “không có giá trị pháp lý”.

Nhân khẩu học thay đổi

Từ năm 1967, chính phủ Israel đã ra sức củng cố sự kiểm soát của mình đối với Jerusalem bằng cách theo đuổi có hệ thống một số chính sách:

Thiết lập các Khu định cư: Israel đã đơn phương sáp nhập Đôn g Jerusalem bị chiếm đóng và xây dựng các khu định cư trái phép bên trong và dọc theo những đường biên giới mở rộng trái phép. Những khu định cư này hiện nay tạo thành một vòng tròn bao quanh toàn bộ phần thành phố bị chiếm đóng, tách biệt khu vực này với phần còn lại của Bờ Tây. Ngày nay, hơn 190.000 người trong tổng số 500.000 người định cư tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng (oPt) sinh sống tại Đông Jerusalem bị chiếm đóng.

Hủy bỏ các Quyền Cư trú và Từ chối cho Gia đình Đoàn tụ: Mục đích của Israel liên quan đến các chính sách ở Đông Jerusalem bị chiếm đóng đã được thể hiện rõ ràng và lặp đi lặp lại là để giữ tỷ lệ đa số dân Do thái tại Jerusalem. Mục đích này đã được tuyên bố chính thức trong một bản báo cáo năm 1973 của Ủy ban Liên bộ về Phân tích Tỷ lệ Phát triển của Jerusalem. Báo cáo này đưa ra khuyến nghị rằng “sự cân bằng về nhân khẩu học giữa người Do thái và người Ả Rập cần phải được duy trì như thời điểm cuối năm 1972.” Và đề duy trì sự “cân bằng về nhân khẩu học” này, Israel đã cấm hàng nghìn người Palestine cư trú trong thành phố nơi họ đã sinh ra bằng cách thu hồi các quyền cư trú.

Trở thành những “Cư dân vĩnh viễn” của Israel, những người Palestine sống tại Đông Jerusalem không có các quyền tương ứng với các công dân Israel trong thành phố. Ví dụ, Israel có quyền tước đoạt quyền cư trú của họ bất cứ lúc nào. Do đó, các cư dân của chúng tôi ở Đông Jerusalem bị chiếm đóng phải duy trì “trung tâm cuộc sống” của họ ở Đông Jerusalem; nếu không họ sẽ có nguy cơ mất tình trạng cư trú. Bên cạnh việc hủy bỏ quyền cư trú, Israel còn thường xuyên từ chối cấp quyền cư trú cho những người vợ/chồng Palestine không phải là người Jerusalem, do đó ngăn cản họ cư trú ở Jerusalem và từ chối cho gia đình đoàn tụ.

Hơn 13.000 tấm thẻ căn cước “cư trú vĩnh viễn” của người Palestine đã bị thu hồi từ năm 1967 đến năm 2008, ảnh hưởng trực tiếp tới hơn 20% gia đình Palestine ở Đông Jerusalem bị chiếm đóng. Từ năm 2006 đến 2008, Israel đã thu hồi 4.577 thẻ căn cước “cư trú vĩnh viễn” của người Palestine.

Tịch thu đất đai, Hạn chế xây dựng và Phá hủy nhà cửa

Không chỉ cản trở sự phát triển đô thị của chúng tôi bằng cách tịch thu đất đai của chúng tôi và xây dựng các khu định cư, Israel đã đưa ra một loạt chính sách phân vùng mang tính phân biệt đối xử nhằm gây khó khăn cho chúng tôi trong việc xây dựng trên đất đai của chính mình hoặc mở rộng các công trình hiện tại. Do đó, chúng tôi chỉ được phép xây dựng và sống trên 13% diện tích của Đông Jerusalem. Ngoài ra, giấy phép xây dựng trong các khu vực này rất đắt đỏ và gần như không thể xin được do các biện pháp và chính sách hạn chế và phân biệt đối xử của Israel, do đó chính phủ Israel có thể phá bỏ các ngôi nhà được xây dựng hoặc mở rộng mà không có giấy phép do họ cấp.

Các chính sách phân biệt đối xử này cũng dẫn đến việc dân cư tập trung quá đông ở Đông Jerusalem, và tình hình sẽ càng tồi tệ hơn do dân số vẫn đang tăng trưởng tự nhiên. Từ năm 1967 đến nay, dân số Palestine ở vùng đô thị Jerusalem do Israel vạch ra đã tăng từ 68.600 lên 300.000 người – tăng 228%. Đến năm 2020, số người Palestine có thẻ cư trú ở Jerusalem dự tính sẽ là hơn 400.000 người (dựa trên tỷ lệ tăng dân số trung bình là 3,4%).

Các con số ước tính cũng cho thấy kể từ năm 1967, Israel đã phá hủy hơn 3.200 ngôi nhà và các công trình khác ở Đông Jerusalem, bao gồm một số di tích lịch sử và tôn giáo như Khu phố Ma-rốc trong Thành phố cổ ở Jerusalem. Theo Cục Thống kê Trung ương Palestine, chính quyền Israel đã phá hủy 94 ngôi nhà của người Palestine trong năm 2005, 83 nhà trong năm 2006, 78 nhà năm 2007, 87 năm 2008 và 103 nhà trong năm 2009. Năm 2010, theo các con số của Nhóm Làm việc về việc Di chuyển chỗ ở của Liên Hợp Quốc, 78 công trình thuộc sở hữu cá nhân đã bị phá hủy ở Đông Jerusalem, bao gồm nhà ở.

Áp đặt lệnh đóng cửa: Từ tháng 3/1993, Israel cấm những người Palestine không phải là người Jerusalem vào thành phố này, trừ phi họ có giấy phép do Israel cấp, nhưng thực ra rất hiếm khi được cấp. Do đó, hơn 4 triệu người Palestine bị cấm vào những địa danh thiêng liêng ở Jerusalem, bị cấm học hành ở Đông Jerusalem và không được tiếp cận một số biện pháp chữa bệnh chỉ có tại các bệnh viện ở Đông Jerusalem.

Xây dựng Bức tường chiếm đóng: Bức tường chiếm đóng chạy bên trong và quanh Đông Jerusalem bị chiếm đóng chia Bờ Tây thành hai khu vực riêng biệt và hoàn toàn cách ly Đông Jerusalem bị chiếm đóng với phần còn lại của Bờ Tây.

Bức tường cũng hạn chế không gian còn lại cuối cùng cho sự tăng trưởng rất cần thiết của người Palestine, trong khi tạo điều kiện cho việc xây dựng và mở rộng các khu định cư. Thêm vào đó, Bức tường cắt đứt trục giao thông quốc gia nối liền Bờ Tây với Jerusalem và dẫn đến việc dòng người Palestine Jerusalem tràn vào trung tâm thành phố.

2.Các thông tin cơ bản

  • Khoảng 35% nền kinh tế của chúng tôi phụ thuộc vào thủ đô Đông Jerusalem, khu vực trải dài từ Ramallah đến Bethlehem.
  • Cộng đồng quốc tế, trong đó có cả Liên Hợp Quốc, Mỹ và Liên minh Châu Âu, không công nhận việc Israel tuyên bố chủ quyền với Đông Jerusalem.
  • Do những hạn chế mang tính phân biệt đối xử của Israel trong việc sử dụng đất đai, người Palestine ở Đông Jerusalem chỉ được sống và xây dựng trên 13% diện tích đất của chúng tôi. Những người không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải xây dựng không có giấy phép hoặc trong khi đang chờ xin giấy phép sẽ khó tránh khỏi nguy cơ bị buộc phải rời đi hoặc bị phá nhà. Quân đội Israel đã phá hủy hơn 3.000 ngôi nhà của chúng tôi ở Đông Jerusalem bị chiếm đóng từ năm 1967.
  • Những người Palestine ở Jerusalem, chiếm hơn 36% dân số của Jerusalem, chỉ nhận được chưa đầy 10% ngân sách của thành phố.

3.Luật pháp quốc tế

  • Nghị quyết 242 (năm 1967) của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhấn mạnh “không thể chấp nhận việc giành thêm lãnh thổ bằng chiến tranh” và kêu gọi “các lực lượng vũ trang Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng trong cuộc xung đột hiện tại.”
  • Nghị quyết 252 (năm 1968) của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tuyên bố rằng Hội đồng Bảo an “coi tất cả các hành động… của Israel … nhằm thay đổi tình trạng pháp lý của Jerusalem là trái pháp luật và không thể thay đổi tình trạng đó.”
  • Nghị quyết 476 (năm 1980) của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tuyên bố rằng Hội đồng Bảo an “tái khẳng định rằng tất cả các hành động… của Israel, thế lực chiếm đóng, góp phần thay đổi đặc sắc và tình trạng của …Jerusalem, đều không có giá trị pháp lý… và cũng tạo thành một trở ngại nghiêm trọng trong việc đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Trung Đông.”

 

4. Quan điểm của chúng tôi

Phù hợp với luật pháp quốc tế và như đã được nêu trong Tuyên bố Nguyên tắc, toàn bộ Jerusalem (và không chỉ riêng Đông Jerusalem) sẽ được đàm phán về tình trạng vĩnh viễn. Về Đông Jerusalem, do vẫn là một phần của lãnh thổ bị chiếm đóng từ năm 1967, Israel không có quyền đối với bất kỳ phần nào của thành phố này.

Đông Jerusalem là trái tim chính trị, kinh tế và tinh thần của dân tộc chúng tôi, nên sẽ không thể có Nhà nước Palestine nếu không có Đông Jerusalem, đặc biệt là Khu Phố cổ và khu vực xung quanh, là thủ đô của nhà nước đó. Chúng tôi cam kết tôn trọng quyền tự do cầu nguyện tại, cũng như việc tiếp cận, các địa danh tôn giáo ở Đông Jerusalem của tất cả mọi người. Tất cả các biện pháp khả thi sẽ được tiến hành để bảo vệ những địa danh đó và giữ gìn sự tôn nghiêm của chúng.

Ngoài việc đảm bảo chủ quyền của chúng tôi đối với Đông Jerusalem, chúng tôi sẽ xem xét một số biện pháp vì lợi ích của chúng tôi và phù hợp với luật pháp quốc tế. Ví dụ, Jerusalem có thể là một thành phố mở cho cả người Palestine và người Israel – là thủ đô của cả hai quốc gia. Cho dù giải pháp cụ thể là gì, thì Đông Jerusalem vẫn đóng vai trò chủ chốt đối với sự tồn tại về mặt kinh tế, chính trị và văn hóa của nhà nước tương lai của chúng tôi. Không thể có một nền kinh tế quốc gia Palestine thống nhất, và do đó là không thể có những giải pháp bền vững cho cuộc xung đột, nếu không có một giải pháp đã được đàm phán về Jerusalem đảm bảo các quyền của chúng tôi.

 

Nguồn: Negotiations Affairs Department - PLO