Trang chủ Giới thiệu Palestine Các bài báo về Palestine Tiến trình đối thoại vì hòa bình ở Trung Đông: Đang đi vào ngõ cụt

Tiến trình đối thoại vì hòa bình ở Trung Đông: Đang đi vào ngõ cụt

Thứ ba, 01 Tháng 4 2014 11:57

(HNM) - Trong một cuộc trò chuyện với cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad, ông hoàng truyền hình Larry King đã bối rối khi nhà lãnh đạo Iran đột ngột hỏi rằng: Ai đã gây ra thảm họa diệt chủng người Do Thái Holocaust?

Câu trả lời không khó bởi nó đến từ lịch sử với sự thật không thể thay đổi rằng đó chính là Đức quốc xã. Tuy nhiên, câu hỏi tiếp theo mới thực sự không có đáp án khi ông M.Ahmadinejad lập luận rằng vậy tại sao người Palestine phải trả giá cho những gì mà họ không gây ra?

Sau ngày phân chia lãnh thổ để thành lập Nhà nước Israel - năm 1948, nhiều người Palestine đã mất đi sinh mạng trong cuộc đấu tranh giành quyền được sống như những dân tộc khác trên thế giới. Niềm hy vọng mới lóe lên sau những nỗ lực thúc đẩy đàm phán không ngừng nghỉ của Mỹ đang đứng trước nguy cơ bế tắc sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố số phận của tiến trình hòa bình có thể được giải quyết hoặc sẽ đổ vỡ.

Lời phát ngôn "nước đôi" lạnh lùng được đưa ra không lâu sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cắt ngắn chuyến thăm Châu Âu và tất tả trở lại Trung Đông trong bối cảnh những cam kết hòa giải của Mỹ rất có thể bị "đổ ra sông ra bể". Một thỏa thuận khung về hòa bình giữa Israel và Palestine phải hoàn thành vào thời hạn chót 29-4 nhưng đến nay vẫn chưa thấy bóng dáng. Bất đồng cốt lõi là yêu sách của Tel Aviv yêu cầu Palestine công nhận Israel là Nhà nước Do Thái. Từ Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Yaalon đến Thủ tướng B.Netanyahu đều kiên quyết khẳng định một thỏa thuận hòa bình là không thể nếu Palestine không đáp ứng yêu cầu này. Thế nhưng, chính quyền Tổng thống Mahmoud Abbas đã thẳng thừng từ chối điều kiện mà Palestine cho rằng là hoàn toàn vô lý. Đã công nhận quyền tồn tại của Nhà nước Israel từ năm 1993, Palestine cho rằng sẽ là vô cùng bất công khi họ phải gọi Israel là Nhà nước Do Thái trong khi chính Tel Aviv đã xác định tên của mình là Nhà nước Israel từ thuở khai quốc. Việc đưa tôn giáo thành tên một quốc gia không chỉ là chuyện cổ kim chưa từng xảy ra mà quan trọng hơn, nếu làm vậy sẽ chính thức thừa nhận sự phân biệt đối xử với những người Palestine Arab đang sinh sống tại Israel cũng như quyền trở về của hàng triệu người Palestine tị nạn. Dù đang bị chia rẽ trong nhiều vấn đề chính trị, song các quốc gia Arab lại vô cùng thống nhất trong luận điểm này. Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Arab vừa kết thúc tại Kuwait đã kiên định lập trường đứng về phía chính quyền Tổng thống M.Abbas trong cuộc đấu lý với Tel Aviv. Mọi việc sẽ dừng lại ở những tranh luận chưa ngã ngũ nếu như chính quyền của Thủ tướng B.Netanyahu không bất ngờ cho biết sẽ dừng việc thả tù nhân Palestine theo đúng lộ trình đàm phán đã cam kết - điều chắc chắn sẽ đẩy tiến trình đối thoại mong manh vào ngõ cụt.

Nguy cơ sụp đổ của vòng đàm phán vừa khởi động gần 9 tháng trước kéo Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry quay lại Trung Ðông (vào tối 31-3), lần thứ hai chỉ trong chưa đầy 1 tuần. Hơn 10 lần công cán đến điểm nóng dai dẳng này kể từ khi nhậm chức hồi tháng 2 năm ngoái, vị ngoại trưởng kiên nhẫn gần như đã đặt cược sự nghiệp của ông vào sứ mệnh đầy khó khăn. Không chỉ là cuộc xung đột dai dẳng nhất thế giới, việc đưa người Israel và Palestine đến một thỏa thuận hòa bình lâu dài đã được Tổng thống B.Obama xác định là ưu tiên ngoại giao số 1 trong nhiệm kỳ hai của ông. Với những gì phải chịu đựng suốt hàng chục năm qua, thế giới Arab coi việc người Palestine bị đối xử bất công là sự thể hiện rõ ràng của chính sách thiên vị và cường quyền tại khu vực. Nhận thức đó đã đưa cuộc xung đột Israel - Palestine trở thành gốc rễ của mọi bất ổn tại vùng đất vàng. Do vậy, trao cho người Palestine một quốc gia mà họ xứng đáng được nhận được xem là nằm trong lợi ích chiến lược của Washington tại Trung Đông khi nó sẽ cởi nút thắt khó nhất và tạo cơ sở dễ dàng hơn để tháo gỡ những vấn đề còn lại. Việc làm này cũng sẽ "danh chính ngôn thuận" giúp Israel gỡ thế cô lập về ngoại giao. Tổng thống B.Obama đã từng thẳng thắn với ông B.Netanyahu rằng nếu không có thiện chí để xây dựng hòa bình, ngay cả Mỹ cũng khó bảo vệ được Tel Aviv trước làn sóng tẩy chay của Liên minh Châu Âu (EU) cũng như ngăn cản người Palestine đòi quyền lợi chính đáng của mình tại Liên hợp quốc (LHQ).

"Tôi đã hỏi ngài Thủ tướng rằng nếu không phải ngài thì sẽ là ai và nếu không phải bây giờ thì khi nào sẽ là thời điểm cho một thỏa thuận hòa bình", người đứng đầu Nhà Trắng cho biết sau cuộc gặp mới đây với ông B.Netanyahu tại Washington. Tuy nhiên, dư luận lại cho rằng với việc sở hữu quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ, nếu không phải là Mỹ thì sẽ khó có quyền lực nào có thể buộc đồng minh "cứng đầu" của Washington phải từ bỏ tham vọng chiếm hữu. Vậy nên thành công trong cuộc hòa giải lịch sử sẽ phá bỏ mối hoài nghi rằng chính quyền Tổng thống B.Obama thực chất chỉ đang "giơ cao đánh khẽ".