Trang chủ Giới thiệu Palestine Các bài báo về Palestine Palestine sau những bức tường chiếm đóng (Kỳ 1-4)

Palestine sau những bức tường chiếm đóng (Kỳ 1-4)

Thứ sáu, 07 Tháng 3 2014 14:16

Chuỗi bài viết của Nhà báo Lê Khánh Duy, báo Vietnamnet

Kỳ 1

Palestine vẫn là “Miền đất hứa”

Đoàn nhà báo Việt Nam tới thăm Palestine theo lời mời của sứ quán Palestine tại Hà Nội từ ngày 12 tới ngày 23 tháng 5. Sáng ngày 12, đoàn đã tới thủ đô Amman của Jordan chỉ cách biên giới Palestine vài chục cây số nhưng tới sáng ngày 17 vấn không có giấy phép vào đuợc lãnh thổ Palestine.

" Jerusalem kia rồi!". Chúng tôi đã nhìn thấy nó, nhưng không phải trên lãnh thổ Palestine mà từ bờ bên này Biển Chết, trên lãnh thổ Jordan. Ở bờ bên kia, xứ Jerusalem, người ta đang biểu tình. Ở bờ này, các nhà báo lại "tác nghiệp" bằng cách rong ruổi trên chiếc xe du lịch 7 chỗ lang thang hết khu cũ tới khu mới của thành phố Amman.

"Đụng độ nổ ra ở Issawiyya, Al-Tur và Ras al-Amud, những khu vực sát sườn thành phố cổ Jerusalem. Tại trại tị nạn Shufat ở Đông Jerusalem, cảnh sát chìm của Israel đã tới khu vực đụng độ và bắt giữ một số người Palestine. Ở Bờ Tây, 500 người đã tuần hành ngay giữa trung tâm Hebron, mang theo những poster kỷ niệm ngày Nakba. Trên phía Bắc, 20 người Palestine đã ném đá vào quân lính chiếm đóng Israel tại Qualandia gần Ramallah." Tờ Al Zazeera viết thế trong một bài báo ngày thứ bảy, 14/05.

Đụng độ nóng bỏng như vậy nhưng cách đó chỉ một eo biển ngắn cũn cỡn, các nhà báo Việt Nam vẫn nằm phơi mình trên Biển Chết  với tờ Jordan Times trên tay và quay mặt về vùng chiến Jerusalem. Jerusalem ở đâu đó sau dãy núi kia, căng thẳng bởi bạo lực bùng phát trong ngày Quốc khánh Israel. Ở bờ biển bên này, chúng tôi vẫn giết thời gian với biển xanh, đùi cừu hầm, nước quả ép và những quán bar.

Chẳng có trường báo chí nào dạy kiểu tác nghiệp "xuyên biển" kỳ lạ thế. "Như đi an dưỡng chứ tác nghiệp gì?" "Thế mà có khi lại được chấm nhuận bút cao vì đã tường thuật từ nơi đặc biệt nguy hiểm." Chúng tôi đùa nhau. Đã ba ngày rồi, đoàn nhà báo đến từ Việt Nam vẫn chỉ quanh quẩn trong khách sạn 5 sao Bristol ở thành phố Amman, Jordan. Hết giờ ngủ lại đến giờ ăn mà vẫn thấy chưa hết ngày hết buổi.

          "Cuộc đời làm báo thật là hay

          Nói phét, chơi rong suốt cả ngày"

          "Đại nhà báo" Như Phong theo cách gọi của chúng tôi đọc thơ vui, những câu đùa của cây viết phóng sự lão làng làm thời gian trôi nhanh hơn một ít. Nhưng cũng không vì thế mà 3 ngày "ăn sung, mặc sướng" ở khách sạn 5 Sao ở Amman trôi đi dễ dàng. Ai có thể thích kiểu cách 5 sao tùy họ, với những cây viết sẵn sàng tới miền đất của xung đột này, 3 ngày ở thủ đô Amman chính xác hơn là 3 ngày "ăn vạ, nằm vật." Chưa bao giờ, chúng tôi sốt ruột muốn vào lãnh thổ Palestine như lúc này.

          "Làm báo là có mặt ở những nơi điển hình, gặp những nhân vật điển hình trong những thời điểm điển hình," nhà báo Như Phong tâm sự về nghề báo trong những giờ ăn tối rảnh rỗi ở Amman. Chúng tôi càng sốt ruột bởi không có thời điểm nào điển hình hơn lúc này để có mặt ở một địa điểm lúc nào cũng điển hình như Palestine.

          Thứ 7, 14/05, là ngày Quốc khánh Israel, ngày này năm 1948, Israel tuyên bố thành lập nhà nước trên vùng đất Palestine theo nghị quyết số 181 của Liên hợp quốc. Nội dung cụ thể của nghị quyết đó là thành lập hai nhà nước trên đất Palestine lịch sử; một nhà nước cho người Arap Palestine và một nhà nước cho người Do Thái. Chỉ sau đó một ngày, chủ nhật, 15/05, là ngày Thảm hoạ của người Palestine. Quốc khánh của người Israel lại là Quốc hận của người Palestine bởi ngay sau sự lập quốc của dân tộc Do thái, khoảng 700.000 người Hồi giáo đã phải rời bỏ quê hương hoặc bị trục xuất trong cuộc chiến tranh xảy ra sau đó. Thế mà, cả hai ngày quan trọng ấy đã qua đi trước sự tiếc nuối của nhóm nhà báo chỉ ở cách đó có vài chục cây số.

"Một trong những cuộc tuần hành lớn nhất đã diễn ra tại Bờ Tây gần trại tị nạn và trạm kiểm soát Qalandiya, cửa chính vào Bờ Tây từ Israel. Một số người Palestine đã bị thương bởi hơi cay quân đội Israel. Bạo loạn gia tăng sau cái chết của một thanh niên Palestine 17 tuổi bị linh Israel bắn giữa các cuộc đụng độ vào thứ sáu trong tuần ở Silwan, vùng lân cận Đông Jerusalem". Lại là tin Chủ nhật từ hãng Al Zazeera.

Những tin tức chỉ gây thêm sự sốt ruột. Nhà báo Như Phong tiếp tục giảng "đạo làm báo": "Cái giống làm báo chỉ cần có mặt ở đó chụp một cái ảnh rồi viết gì thì viết, ngồi dịch báo Tây ra cũng được. Nhưng phải có mặt ở đó chứ không thể ngồi trong phòng mà phịa ra được". Làm báo salon kiểu ngồi trong phòng điều hòa tường thuật chiến sự nóng bỏng không phải là cách của TBT báo Năng lượng mới Như Phong. Với ông, 3 ngày ở Amman là 3 ngày "ăn chực, nằm chờ" hơn là "ăn sung, mặc sướng".

Chỉ thấy có nhà nghiên cứu Trung Đông Nguyễn Ngọc Hùng tỏ ra bình tĩnh và thanh thản hơn cả. Đã hơn 65 tuổi, ông vẫn ăn ngủ ngon lành hơn tất cả chúng tôi. "Mọi sự đều có thể xảy ra, tôi đã nói với các bạn rồi. Thậm chí có thể chúng ta sẽ không có giấy phép và phải đi về. Đứng về mặt an ninh, người Israel có cái lo của họ. Họ không lường được người Palestine sẽ phấn khích thế nào trong ngày này và cũng không muốn Palestine khuyếch trương Ngày thảm họa này với thế giới." Ông Hùng phân tích.

Đại sứ Palestine Saadi Salama mới là người sốt ruột nhất cho dù ông đã qua được biên giới từ ngày thứ 6, 13/05. Từ Ramallah, ông liên tục gọi về: "Các bạn đi chơi Biển Chết đi, đi thành phố cổ Jerash chơi đi cho đỡ buồn, ở khách sạn làm gì. Chúng tôi đã nhờ quốc tế và Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thế giới can thiệp rồi. 300 người đã vào được rồi, chỉ còn 80 người nữa thôi. Tôi có niềm tin chắc chắn rằng các bạn sẽ vào Palestine được". "Người Palestine đã rất khôn ngoan khi tổ chức một giải bóng đá 16 đội để nhân sự kiện thể thao này mời các nhà báo tới. Palestine muốn truyền đi thông điệp rằng họ đủ đoàn kết và năng lực để điều hành một nhà nước độc lập. Họ đang làm tất cả để được Liên Hợp Quốc công nhận là nhà nước độc lập vào tháng 9 tới. Nhưng Israel hiểu điều đó, và quyền quyết định có cho vào lãnh thổ Palestine hay không lại nằm trong tay họ. Vậy nên chúng ta phải chờ đợi mà thôi." Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Hùng phân tích thêm.

Chờ đợi, chờ đợi và chờ đợi. Chúng tôi cũng còn biết làm gì hơn ngoài nằm khểnh ở khách sạn Bristol 3 ngày ròng rã, đọc hết sạch một cuốn Chuyện Kinh Thánh 500 trang và chờ đợi một đấng Cứu thế của Thiên Chúa đưa chúng tôi tới Miền đất của Sữa và Mật ong mà Ngài đã hứa.

"Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì cửa sẽ mở..." Kinh thánh viết như vậy và nhóm nhà báo cũng không biết làm gì hơn ngoài "cầu nguyện" và nằm chờ một phép lạ của Chúa giúp mở cánh cửa hải quan giữa Jordan và Palestine...  Phép lạ ấy, kỳ lạ, lại nằm trong tay người Israel.

 

Kỳ II

Những nhà báo Việt đầu tiên trên đất Palestine

 Nhóm nhà báo Việt Nam cũng đã bất ngờ khi biết rằng mình là những người làm báo Việt Nam đầu tiên đặt chân tới lãnh thổ Bờ Tây sông Jordan, thuộc Palestine.

Sốt ruột như "xát muối Biển Chết"

"Rung lên nào là rung lên nào!" đạo diễn Lê Trần Quỳnh cứ lặp đi lặp lại điệp khúc đó. Là người cầm máy điện thoại liên lạc với ĐS Palestine tại Ramallah, anh lúc nào cũng khắc khoải chờ một cú điện thoại gọi báo tin mừng. Chỉ tiếc, ngày chờ đợi thứ 4 cứ chầm chậm trôi qua nhưng cái tin mừng có được Giay phep vào "nước Chúa" vẫn chưa có. Bất an nảy sinh bói toán, hết gieo đồng xu đến bấm Quẻ Dịch. Nhà báo Như Phong bấm ngày tháng thế nào ra Quẻ Phong Thủy Hoán biến ra Quẻ Thuần Khảm và kết luận: "Sông nước vẫn mịt mùng lắm, chưa đi được."

          "Al Zazeera đưa tin Israel đã bắn 14 người biểu tình Palestine khi những người này tiến vào biên giới Israel từ Syria, Lebanon và Gaza. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1973 có hiện tượng người định tràn qua biên giới Israel. Tổng thống Abbas tuyên bố hôm nay là ngày Quốc tang. Sự thể như thế này, chắc chắn chúng ta rất khó được cấp giấy phép vào Palestine." Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Hùng "đổ nước dập lửa" ngay từ đầu giờ sáng Thứ 2.

          Tờ Jordan Times số thứ 2 đưa bài TOP nói 13 người chết và gọi cuộc đụng độ giữa lính Israel và người biểu tình Palestine vào ngày Nakba hôm Chủ Nhật là "cuộc đụng độ gây chết người nhiều nhất" trong nhiều năm qua, kèm lời Tổng thống Abbas: "Những giọt máu quý giá ấy sẽ không lãng phí. Máu đã đổ vì mục tiêu là nền tự do của đất nước chúng ta". Tin dồn dập càng làm nhóm nhà báo nóng ruột như "bị xát muối Biển Chết".

May mắn là lại có một tia hi vọng nhỏ nhưng cũng đủ để níu giữ đoàn nhà báo chưa quyết định mua vé bay về. "Bộ phối hợp dân sự của Palestine với Israel đã gọi nói chúng ta sẽ được cấp giấy phép thôi. Có thể tối nay sẽ đi." ĐS Palestine Saadi Salama gọi vào cuối giờ chiều ngày Thứ 2, 16/05. Tin "gần mừng" ấy đủ làm nhà báo Như Phong phấn chấn hơn đôi chút. Ông trầm ngâm nói: "Vào được hay không chuyến này cũng sẽ viết một bài: Những suy ngẫm về một chuyến đi. Tít phụ thứ nhất: Những ngày cầm tù ở Khách sạn 5 Sao. Tít phụ thứ hai: 1/1000 tia hi vọng."

Chúng tôi lại nói đùa khi mạo muội đổi chữ "cầm tù" của ông thành "tị nạn" cho gần gũi với nhân dân Palestine. Đành vậy, lại một đêm "tị nạn" bởi vẫn không có thêm một "tin mừng" nào khác cho tới nửa đêm.

Sáng thứ 3, 17/05, chúng tôi mở mắt nhìn những tia nắng đầu tiên của ngày mới chiếu xiên vào ô cửa ban công khách sạn. Một tia hi vọng lại nhen nhóm, đúng hơn đó là một linh cảm lạc quan, có thể ngày hôm nay sẽ đi.

Một buổi sáng nữa trôi ì ạch, cuối giờ trưa, đạo diễn Lê Trần Quỳnh chủ động gọi cho Đại sứ Saadi và anh buồn bã truyền đạt lại: "Vẫn chưa biết khi nào Israel sẽ cấp giấy phép, nếu hết ngày hôm nay chưa có, sáng mai chúng ta phải đổi vé bay về." Tia hi vọng mong manh cuối cùng gần như đã tắt.

"Vật cùng tắc biến", vào những giờ phút tưởng như cầm chắc vé về ấy, một cú điện thoại reo lên quãng 2h30 phút chiều. "Các anh đã có giấy phép rồi, 30 phút nữa nhân viên sứ quán Palestine tại Jordan sẽ đón các anh qua biên giới." Đại sứ Palestine Saadi Salama mừng rỡ thông báo. Chúng tôi ai nấy nhẩy ra khỏi giường, sau 5 ngày lầm nhẩm câu ca: "Ramallah đó niềm tin yêu hi vọng", cuối cùng, niềm tin đã cho thấy sức mạnh thần kỳ của nó...

"Lễ Vượt qua" biên giới Palestine

Vượt cửa khẩu để vào được lãnh thổ do phía Israel kiểm soát luôn là một câu chuyện đáng kể. Phỏng vấn gắt gao ngay tại cửa khẩu, lục tung các vali để kiểm tra an ninh ngặt nghèo, những câu chuyện như thế có thể đọc được ở vô số những cuốn sách và bài viết do các nhà báo từng tới khu vực này kể lại. Chúng tôi đã chờ đợi những khó khăn như vậy sẽ xảy ra ở cửa ngõ Palestine. Chúng tôi đã nghĩ trước cái tít cho bài báo của mình đại khái sẽ là: "Lễ Vượt qua" biên giới Palestine, một cách chơi chữ khi "ngoa ngôn" so sánh những gian khó của việc vượt cửa khẩu do Israel kiểm soát như việc nhà tiên tri Moses từng dẫn dân tộc Do Thái vượt qua sa mạc bao la từ Ai Cập sang Palestine.

Rất tiếc, không có câu chuyện nào đáng kể trong lần vượt biên giới này và không có cơ hội nào để chúng tôi so sánh "điêu toa" như vậy. Có 5 trạm kiểm soát, 2 bên phía Jordan và 4 thuộc về Israel trong quãng đường trung chuyển từ biên giới Jordan sang Bờ Tây. Có những hàng rào thép ngăn cách hai bờ như vẫn thường thấy ở các biên giới Israel-Arập. Có một nhân viên an ninh Jordan đã "hộ tống" chúng tôi sang tới cửa khẩu Israel. Ngoài ra không còn gì nữa.

Không một ai mở hành lý kiểm tra đồ đạc của nhóm nhà báo, thậm chí hành lý không phải đi qua một máy thử nào. Một cô gái nhỏ bé ra hỏi chúng tôi dăm câu ba điều như cho qua chuyện: "Các anh có mang vũ khí không?" "Có ai ở Jordan gửi các anh cái gì không?" Chấm hết. Thậm chí, sự nhã nhặn của nhân viên an ninh cửa khẩu Israel còn làm chúng tôi ngạc nhiên. "Các anh khoẻ không?" "Các anh có cần giúp đỡ gì không?". Đúng ra, chúng tôi có nhìn thấy hai thanh niên mặc thường phục non choẹt lăm lăm hai khẩu súng dài ngoằng, có lẽ đó là những lính dự bị được đưa vào đây phục vụ. Nhưng họ chỉ đứng đó như những anh lính gác.

 May mắn được "trở về nhà"

15h30 khởi hành. 17h đến cửa khẩu. 18h30 vượt qua được cửa khẩu và 19h30 phút đã có mặt tại khách sạn Movenpick ở Ramallah, cuộc hành trình suôn sẻ ấy đã kết thúc bằng cuộc gặp thân mật với Đại sứ Palestine ở một quán cà phê rộng rãi nằm trên sân thượng khách sạn. Đại sứ Saadi đã không về quê thăm mẹ suốt 5 ngày qua để ở đây lo nốt cho đoàn Việt Nam có thể sang.

"Chúc mừng, các anh đã trở thành đoàn Việt Nam không chính thức đầu tiên đến được Palestine và là những nhà báo Việt Nam đầu tiên có mặt tại đây." Saadi nói. Những nhà báo đầu tiên, chúng tôi cũng không ngờ mình lại là những nhà báo Việt Nam đầu tiên tới được Bờ Tây để tận mắt nhìn thấy những hàng rào an ninh, những trại tị nạn, những khu định cư Do Thái trên mảnh đất khô cằn huyền thoại này. Dù đã nhìn sang Gaza và Bờ Tây từ lãnh thổ Israel và Jordan, cảm giác trực tiếp đặt chân lên miền đất này vẫn khác.

"Vào được đây không đơn giản đâu nhé, chúng ta bị chậm 5 ngày nhưng may mắn hơn nhiều đoàn khác bị từ chối thẳng thừng hoặc bị cản trở không vào được dù đã tới cửa hải quan. Với đoàn Việt Nam, tôi vẫn hi vọng bởi Israel không từ chối mà chỉ không nói rõ bao giờ sẽ cấp giấy phép. Họ nói chậm là do phải kiểm tra an ninh từng đoàn một." Đại sứ Saadi giải thích.

Thế có nghĩa là chúng tôi đã may mắn, may mắn như anh chàng phóng viên ảnh Jordan mà chúng tôi gặp tại bữa ăn tối. Dù sống ngay ở nước láng giềng, 15 năm qua anh mới được vào quê hương cũ của mình, thăm lại chị gái nay đã có chồng con và những đứa cháu. "Tôi vui lắm khi có người gọi chú ơi!" Anh nói.

Anh và chúng tôi đã may mắn hơn Moath và Mohamad, những nhân viên của sứ quán Palestine và Quỹ Quốc gia Palestine tại Jordan, những người đã nhiệt tình đưa chúng tôi tận tới cửa khẩu. Chỉ cách đó vài chục cây số theo đường chim bay, nhưng các anh chưa bao giờ được trở về mảnh đất nơi cha mẹ, ông bà các anh hằng sống.

1948, hắt từ mốc ấy trở về sau, khoảng 6 triệu người Palestine vẫn còn lưu lạc đâu đó mà chưa tìm được nẻo về. Thi sỹ Mahmoud Darwish của Palestine đã viết: "Chúng tôi đi như những người khác, nhưng chúng tôi không có chốn trở về" và "Đất nước của tôi không là cái vali". "Các bạn đã trải qua 5 ngày không được nhập cảnh để hiểu nỗi khổ của một nhà nước chưa có chủ quyền trọn vẹn, để có thể tự do đi lại như những dân tộc khác." Đại sứ Saadi nói đúng, chúng tôi đã hiểu, xét từ nỗi niềm 60 năm tha hương ấy của những người Palestine, chúng tôi mới thấy 5 ngày "tha phương" của mình nào có đáng là bao.

 

Kỳ III

Câu lạc bộ đêm và những ánh mắt hút hồn

 Nằm ở trung tâm vùng đất xung đột và ảnh hưởng bởi đạo Hồi, Ramallah vẫn có những quán bar đầy sức mê hoặc nơi “mật độ những cô gái xinh đẹp trên một mét vuông mặt sàn và phần trăm những cô gái cực đẹp trên những cô gái đẹp xếp hàng đầu thế giới.”

Snowbar, có nghĩa là quán bar Tuyết. Nhưng không ai ở đây thấy lạnh, không chỉ bởi một ngọn lửa lớn được đốt ngay giữa trung tâm. Toàn bộ không gian 300 mét vuông của Snowbar nằm hoàn toàn ngoài trời, trên một sườn đồi thoai thoải nhìn xuống thung lũng bên dưới. Khác hoàn toàn với các sườn đồi khô cằn sỏi đá tại Trung Đông, Snowbar toạ lạc ở một quả đồi nơi những cây thông mọc thẳng đứng, cao vút. Một quán bar nằm giữa một khu rừng mini trên đồi, Snowbar không giống với bất kỳ quán bar nào trên thế giới. 10h đêm, ô tô đã đỗ chật kín trên con phố Ein Samaan dẫn vào quán. Cách đó không xa là những bức tường an ninh, nhưng ở trong này, không thấy ai nói về cuộc xung đột.

Ywad, một diễn viên trẻ tuổi nói: "Tôi đến đây hàng tuần, để cảm nhận không khí tự do." Một không khí tự do như thế tràn ngập trong khuôn viên quán bar, những thanh niên trẻ Palestine bắt đầu xuống sàn nhảy, lắc lư theo những điệu nhạc phương Tây và ánh đèn flash liên tục đổi màu. Không ai nghĩ đây lại là một quán bar ở giữa một vùng đất vẫn đang nằm trong ách chiếm đóng.

Người người vẫn nườm nượp đi vào quán bar, không dễ tìm được một chỗ đứng chứ không phải chỗ ngồi. Mùi thuốc shisha tan vào trong những cơn gió nhẹ thổi mơn mơn quanh thung lũng. Mùi shishi là dấu hiệu duy nhất cho biết đây là quán bar của một lãnh thổ ảnh hưởng bởi đạo Hồi. Xung quanh, mọi người đều uống bia và rượu, một đặc điểm không dễ tìm thấy tại những quán bar khác ở Trung Đông, nơi chỉ có bia không cồn được phép bày bán.

"Đạo Hồi cấm uống rượu bởi theo kinh điển, uống rượu sẽ làm các tín đồ đọc sai Kinh Koran." Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Hùng đã giảng cho chúng tôi từ trước. Ở đây thì khác, một bầu không khí thế tục và tự do hoàn toàn. "Ramallah là một thành phố rất dễ chịu và dễ sống bởi thời tiết mát mẻ. Hơn thế, Ramallah rất tự do, bạn thích đi nhà thờ thì có nhà thờ, đi mua sắm thì có siêu thị, đi uống rượu thì có quán rượu. Rất tự do và thoải mái." Đại sứ Saadi Salama nói về thành phố ông yêu thích.

Thế tục là cảm nhận chung về Ramallah và Snowbar. Thế tục nhưng không vì thế mà trần tục. Không thấy có những cô gái "hở hang" ngồi phì phèo một mình "chờ khách" như ở mọi quán bar trên thế giới, thậm chí không thấy bất kỳ cô gái nào đi một mình. Khách hàng của quán bar là những đôi lứa, những nhóm thanh niên Palestine, những nhân viên tình nguyện nước ngoài, rất ít khách du lịch bởi không dễ vào được lãnh thổ Palestine.

"Quá tuyệt vời, đây là quán bar tuyệt nhất tôi từng đến, đầy sức sống nhưng rất lành mạnh, không thấy bẩn bẩn như nhiều Câu lạc bộ đêm khác," một nhà quay phim chúng tôi gặp ở quán bar chia sẻ. Điều tuyệt vời nhất ở Snowbar là "mật độ những cô gái xinh đẹp trên một mét vuông mặt sàn và phần trăm những cô gái cực đẹp trên những cô gái đẹp hàng đầu thế giới. Ở đây, không thấy có cô gái nào xấu. Tôi chưa từng đến một quán bar nào mà phụ nữ xinh đẹp như ở nơi này", lời nhà quay phim nước ngoài mà chúng tôi chưa kịp ghi tên.

Đó là bất ngờ lớn nhất tại Ramallah, nơi tưởng chỉ có súng đạn vẫn có những gương mặt trái xoan như quả ô liu với ánh mắt sâu hút hồn, những "ánh mắt tổ quốc" của phụ nữ Palestine theo lời Đại sứ Saadi Salama. Chỉ riêng điều ấy cũng đủ giải thích cho việc tại sao cả BBC lẫn New York Times đều có bài riêng về những quán bar ở Ramallah, nơi cuộc sống về đêm đang phát triển với một tốc độ đáng ngạc nhiên. BBC cho biết cứ mỗi tháng lại có một quán bar được mở và nhiều người Palestine coi việc vui chơi ở những quán xá ban đêm là một cách để giải tỏa phần nào những bức bối của cuộc sống trong vùng chiếm đóng.

Tờ New York Times trích lời Veronica Grant, một thanh niêm Mỹ gốc Do Thái ở North Calorina: "Tôi thấy Ramallah tự do hơn nhiều địa điểm khác ở Trung Đông, thậm chí hơn cả Amman." Còn John Saadeh, một thanh niên Mỹ gốc Palestine thì nói: "Ở đây mọi người đều biết nhau, bạn cảm thấy mình như một ngôi sao. Rất dễ gặp gỡ chuyện trò."

12h đêm, toàn bộ sàn nhảy và những không gian của Snowbar đã chật cứng. Không còn ai muốn ngồi nữa và một cô gái bỗng trèo hẳn lên bàn để "nhảy". Ngoài cổng quán bar, bảo vệ đã không cho phép vào thêm nhưng rất nhiều thanh niên vẫn đang chầu chực ngoài đó để chờ đợi. Họ sẽ phải chờ lâu vì không ai muốn ra về.

"Bạn biết thi sỹ nổi tiếng Palestine Mahmoud Darwish không? Ông ấy từng viết rằng đất nước này luôn có cái đáng sống vì nó. Bạn thấy không tự do ở dưới kia không, chiếm đóng không là gì cả nếu chúng ta có tinh thần tự do. Tự do ở đây này, trong trái tim của chúng ta, trong tâm hồn của chúng ta." Ywad vừa nói vừa đặt tay lên tim mình. Thoáng chốc, chúng tôi đã không thấy anh đâu nữa, anh đã hòa vào nhóm người tự do ở dưới kia, ngay giữa tâm điểm của vùng đất còn chưa thoát khỏi ách chiếm đóng.

 

Kỳ IV

Nhà báo Việt dính đạn cay tại Palestine

Các nhà báo Việt Nam đã dính hơi cay khi tác nghiệp tại một cuộc đụng độ của người Palestine với Israel ở làng Belein sát biên giới vào thứ 6, 20/05.

"Anh cẩn thận đấy nhé, đặc biệt với bom thối, nếu bị dính vào một chút thôi là mấy tuần cũng không hết mùi đâu?" Rebecca dặn dò tôi trên những con đường của làng Belein, con đường mà đoàn biểu tình vẫn đi qua vào mỗi ngày thứ 6. Vóc người mảnh khảnh, gương mặt xanh xao và gày gò với cặp kính cận trắng, Rebecca có vẻ như một nữ sinh miệt mài với sách vở hơn là một nhà hoạt động xã hội hay đi biểu tình. Khác biệt hẳn với nhóm bạn quần jeans áo phông đen đang cầm biểu ngữ xung quanh kêu gọi tự do cho Palestine, Rebecca yếu ớt trong một bộ đồ vải, lọt thỏm giữa đoàn người lố nhố tiến về biên giới.

Nhưng điểm khác biệt lớn nhất là, Rebecca là một người Israel. Cô đi từ bên kia biên giới tới đây biểu tình cùng với những "kẻ thù" của dân tộc mình. Không chỉ mình cô, 20 người Israel khác cũng tham gia cuộc biểu tình của Palestine. Trước đó, họ tụ tập ở trung tâm ngôi làng để nghe một "thủ lĩnh" giảng dạy cách chống hơi cay, bom thối, đạn cao su, bom âm thanh của Israel.

"Đừng sợ hơi cay, cảm giác sẽ cực kỳ khó chịu nhưng bạn cứ để nguyên như thế, chỉ sau 2 phút, mọi cảm giác sẽ tự biến mất. Điều đặc biệt cần chú ý là đừng để những quả đó rơi vào đầu." "Thủ lĩnh" Ryan, 38 tuổi, giảng viên Toán trường Đại học Hebrew của Israel trình bày rất rõ ràng bằng tiếng Anh.

          Tóc vàng buông xoã ngang vai, quần jeans bó sát và áo phông bỏ ngoài, Ryan lãng tử như một ca sỹ nhạc rock. "Thứ sáu tuần nào tôi cũng biểu tình ở đây, đã hai năm rưỡi nay rồi, đều đặn như thế. 1 năm qua có 2 người chết và rất nhiều người bị thương ở đây, nhưng chúng tôi không lùi bước." Ryan nói.

Khi Ryan, Rebecca và những người bạn Do Thái khác của mình bước ra khỏi căn phòng nơi họ dạy nhau cách chống đàn áp thì những người Palestine cũng chuẩn bị bước ra khỏi nhà thờ Hồi giáo gần đó. Người Israel và người Palestine, họ nhập vào nhau thành một đoàn cỡ hơn 150 người, cùng tiến về phía đường biên giới.

"1 2 3 4

Không chiếm đóng nữa

Tự do cho Palestine"

Đoàn biểu tình bắt đầu hô to khẩu hiệu. Cờ quạt, biểu ngữ bay phấp phới, quang cảnh yên bình của làng Belein chỉ mất phút trước đã tan biến. Nhà báo Như Phong và đạo diễn Trần Quỳnh chạy hẳn lên phía trước để chụp ảnh và quay phim. Đại sứ Palestine Saadi Salama cầm cờ dẫn đầu đoàn biểu tình cùng với những người tổ chức. Ở ngôi làng chỉ cách thành phố Ramallah nửa tiếng đi xe này, người ta biểu tình đều như vắt chanh vào 1h chiều thứ sáu hàng tuần. "Hôm nay là vắng, làng chỉ có 1750 người dân nhưng có những khi đoàn biểu tình đi chật ngõ, chúng tôi phải đóng hết cửa nhà vì đạn cay của Israel." Ahmad Samara, nhà cách mạng 63 tuổi có ngôi nhà ngay sát trung tâm làng Belein giải thích.

Nháo nhào trong đoàn biểu tình, tôi thấy đủ loại người: người Israel và người Palestine, người già và người trẻ, phụ nữ và trẻ em, phóng viên mặc áo chống đạn và những người nước ngoài cầm máy ảnh. Có cả những người người khuyết tật phải lê trên chiếc xe đẩy. Không khí như một "lễ hội" và "lễ hội" ấy ngày một xôm tụ và rộn ràng hơn khi đoàn người leo dần lên một ngọn đồi thoai thoải nơi đỉnh điểm của nó là hàng rào ngăn cách hai lãnh thổ Israel và Palestine.

Tôi đi ngay sát cạnh để trò chuyện với Rebecca, cô nói năm sau mình mới vào Đại học. Rất nhiều những gương mặt Israel và Palestine khác xung quanh đều xấp xỉ tuổi cô. Kinh ngạc hơn, có cả những đứa bé Palestine chỉ lên chín lên mười, đầu quấn kín bằng tấm khăn choàng đen trắng, chỉ để hở mỗi đôi mắt như thường thấy ở những phim Ninja hay khủng bố. "Em vào lãnh thổ Palestine từ Israel có khó không?" Tôi hỏi Rebecca. "Tuần nào em cũng tới đây biểu tình à?" "Không hẳn, nhưng em cố gắng đi đầy đủ, cứ thứ sáu nào cũng thế, đã hơn một năm nay rồi."

Khi tôi còn chưa kịp hỏi lý do tại sao Rebecca, cô gái có gương mặt già trước tuổi ấy lại ham biểu tình chống lại nước mình thì đã nghe những tiếng hò hét ở đầu đoàn. Những người dẫn đầu đã đi tới sát đỉnh đồi, cách hàng rào sắt ngăn cách khoảng hơn chục mét. Phía bên kia, một số lính Israel lăm lăm súng ống đứng cạnh một chiếc xe tải "khủng". Nhà báo Như Phong vẫn dẫn đầu đoàn và hướng máy ảnh thẳng về Israel.

"Tự do cho Palestine!"

Những người dẫn đầu cầm mic bắt đầu la hét. Trong khoảnh khắc, một quầng nước trắng hất thẳng từ chiếc xe tải, thành một vòi rồng cao vút về phía đám biểu tình. Những người dẫn đầu táo tác chạy lùi hẳn xuống dưới và dạt sang hai bên. Không hiểu chuyện gì xảy ra, tôi vừa chạy ngược về phía sau thì đụng ngay phải hai thanh niên Palestine vẫn đang đi ngược lên.

"Từ đâu tới thế?"

"Việt Nam"

"Việt Nam thì không được chạy, Việt Nam là một dân tộc dũng cảm. Israel bắn nưới thối đó. Không có vấn đề gì, hãy tiếp tục tiến lên với chúng tôi."

Hai thanh niên Palestine kéo tôi tiếp tục tiến lên phía trước, một vài trong số họ bắt đầu nhặt đá và ném thẳng về phía lính Israel bên kia biên giới. Ngay tức khắc, những tiếng nổ vang lên và những làn khói hình cầu vồng bay thẳng về phía đoàn biểu tình. Khói bay mù mịt ở trên, cả đoàn biểu tình nháo nhác chạy ngược về phía sau như bày ong vỡ tổ. Tôi vẫn chưa kịp hiểu người Israel đã dùng loại vũ khí gì thì thấy nhà báo Như Phong tất tả chạy xuống, mắt nhắm tịt, mặt mũi đỏ au au và nhễ nhại nước:

"Rát quá! Rát quá! Dính đạn cay rồi!"

Những tiếng nổ lớn và những quả đạn cay vẫn được bắn liên tục về phía nhóm biểu tình. Chỉ còn những kẻ kiên gan nhất vẫn tiếp tục tiến lên sát đỉnh đồi. Phần còn lại lùi rải rác ở khoảng lưng chừng, nhưng không thấy ai bỏ về. Những thanh niên Palestine trùm khăn kín mặt để tránh hơi cay, vấn ném đá liên tục qua hàng rào, bằng tay hoặc bằng một loại dây cao su đàn hồi để đường đá bay được xa.

Một loạt đạn cay nữa được bắn sang và khói bụi lại mù mịt trên khắp ngọn đồi. Tôi thấy một cảm giác bỏng rát ở mắt và mặt dù đang đứng ở lưng chừng. Cả nhóm nhà báo đều chịu chung một cảm giác tương tự, bầu không khí của nửa trên quả đồi thưa thớt ôliu ấy đã ngập ngụa trong hơi cay.

Chúng tôi bịt mũi chạy ngược về phía sau để tránh làn cay, nước mắt chảy giàn giụa. Đại sứ Saadi Salama đã nôn thốc nôn tháo ngay tại gốc cây ôliu ven đường do hít phải hơi cay vào bụng. Nhà báo Như Phong bị nặng nhất bởi hít phải làn khói của một quả đạn cay nổ ngay trước mặt. Tôi nghe thấy những tiếng nổ với những âm thanh khác. Có thể lính Israel đã dùng đạn cao su. "Người Israel có thể dùng đạn cao su hoặc đạn thật nếu cần. Đạn cao su bên trong có lõi sắt. Còn có những loại đạn đặc biệt, bám vào da là hút máu." Tôi nhớ lại lời Ryan.

Thứ sáu tuần trước, một thanh niên Palestine 17 tuổi đã chết bởi đạn cao su. Cảm thấy không còn an toàn được nữa, cả nhóm nhà báo chạy lùi tiếp về phía chân đồi. Xung quanh, nhiều người biểu tình nấp sau gốc cây ôliu hoặc chạy vào những chiếc xe ô tô đỗ quanh đó. Một chiếc xe cứu thương réo còi ụ đi lên, nhà báo Như Phong phải hít bông của bác sỹ mới đỡ cảm giác khó chịu.

Từ chân đồi, tôi ngước nhìn lên phía trên, gần trăm người Palestine và cả Israel vẫn không lùi bước, họ chỉ tản mát ra khắp nơi chứ không còn tụ lại như trước nữa. Những thanh niên quá khích nhất vẫn tiến về phía hàng rào để ném đá. Từ bên kia, những làn khói trắng vẫn bắn phụt sang.

Tôi không thấy Rebecca đâu cả, cô không có ở chân đồi. Có lẽ cô gái bé nhỏ ấy vẫn đứng đâu đó ở giữa quả đồi kia, ngay phía sau những thanh niên Palestine đang ném đá về phía đồng bào của cô, "cứ thứ sáu nào cũng thế, đã hơn một năm nay rồi...."