Trang chủ Giới thiệu Palestine Các bài báo về Palestine Palestine - Miền đất của khát vọng tranh đấu (Kỳ 6 đến 9)

Palestine - Miền đất của khát vọng tranh đấu (Kỳ 6 đến 9)

Thứ sáu, 07 Tháng 3 2014 12:03

Chuỗi bài viết của Nhà báo Mỹ Hạnh, Báo Quân đội Nhân dân

 Kỳ VI

 Nỗi đau chia cắt giữa những bức tường

            Ở thành phố Ramallah vẫn tồn tại một khu vực vốn là trụ sở của chính quyền chiếm đóng Israel có từ cuộc chiến Trung Đông năm 1967. Hiện khu vực này vẫn là nơi “bất khả xâm phạm” đối với người Palestine, dù Israel đã giao quyền kiểm soát về an ninh cũng như hành chính ở thành phố Ramallah cho chính quyền Palestine. Một số dấu vết từ thời Israel kiểm soát hoàn toàn Palestine vẫn còn đó, nhưng bị bỏ không. Còn hiện nay, về mặt quản lý, khu Bờ Tây được chia làm 3 khu vực. Khu A do Palestine kiểm soát, khu B do Israel kiểm soát an ninh nhưng Palestine quản lý về hành chính và Khu C hoàn toàn Israel kiểm soát.

           Đến Bờ Tây của Palestine, không thể không để ý tới những bức tường bê tông, những hàng rào thép gai xuất hiện khắp nơi cùng các trạm kiểm soát của Israel. Sự hiện diện của chúng ở trên vùng lãnh thổ Palestine chính là nét đặc trưng nhất của một đất nước bị chiếm đóng. Palestine là nhà nước Arab duy nhất nằm trọn trong “vòng kim cô” mà Israel thiết lập nhằm đối phó với thế giới Arab. Những tường rào gây tranh cãi này do Israel dựng lên để bảo vệ an ninh cho các khu định cư xây trên lãnh thổ Palestine của người Do Thái hiện diện với mật độ khá dày, xen kẽ với khu của người Palestine ở Bờ Tây. Những bức tường được ghép từ nhiều tấm bê tông dày, cao nhiều mét, uốn lượn như những con rắn chia cắt khu Bờ tây đập ngay vào mắt chúng tôi khi tới Ramallah. Chúng tôi còn bắt gặp những bức tường sừng sững như thế khi tới Bethlehem, Hebron và Jericho. Quả là một cuộc xung đột khốc liệt để sinh tồn.

           Sống giữa những bức tường bịt kín tầm mắt, ngửa mặt chỉ nhìn thấy bầu trời, người dân Palestine mang nỗi đau chia cắt. Nỗi đau lớn nhất với người Palestine không gì khác chính là thánh địa Jerusalem, nơi không một người Palestine nào bên ngoài được phép bén mảng, vì Israel kiểm soát toàn bộ. Nơi đây họ gửi gắm niềm tin tôn giáo và khát vọng độc lập trong tương lai.

           Nỗi đau chia cắt không nguôi nữa đó là họ không có quyền trở về nhà của mình mà phải sống tập trung ở các trại tị nạn ở một vùng đất khác ở ngay chính Palestine. Trại tị nạn Jalazon ở ngoại vi Ramallah hiện nay tập trung 10 nghìn người từ gần 32 ngôi làng khác nhau ở Palestine bị Israel chiếm đóng năm 1948. Cuộc sống trong các trại tị nạn như Jalazon giờ đã thay đổi nhiều nhờ sự giúp đỡ của Liên hợp quốc. Họ không còn phải ở trong các khu lều trại lụp xụp, thiếu ăn, thiếu mặc như những năm sau 1948 nữa. Nhưng có một điều chưa bao giờ thay đổi, đó là nỗi đau tinh thần của những người sống tha hương trong nỗi khắc khoải mong chờ có ngày trở về quê hương nơi cha mẹ họ đã sinh ra.

           Người lái ta-xi chở chúng tôi có tên là Mohamed Khalit kể cuộc sống của người Palestine càng khó khăn hơn từ khi xuất hiện những bức tường. Đường đi lối lại bị bịt mất, đi lại khó khăn vì phải đi vòng rất xa, nhiều người bị mất việc làm vì đất đai dù còn đấy nhưng nay đã không thuộc về họ nữa… Nhiều khu vườn ô-liu rộng lớn của người Palestine bị các hàng rào thép gai của Israel quây xung quanh khiến họ không cách nào vào chăm sóc được. Chúng tôi được chứng kiến một khu vườn như thế ngay cạnh trại tị nạn Aida ở Bethlehem. Thật trớ trêu vì người Palestine đi đâu cũng đều phải có giấy phép qua các cửa khẩu do Israel kiểm soát để tới được những nơi cần tới ngay trên đất nước mình.

 Đa số các khu định cư Do Thái được bảo vệ bằng nhiều lớp hàng rào khác nhau. Thậm chí có những khu định cư nhà cửa đã xây xong xuôi mà không hề có người ở cũng được rào và canh phòng kỹ càng. Hèn gì mà người dân Palestine nói rằng “Israel làm vậy vì mục đích chiếm đất là chính thôi”.

 Ở Ramallah, ban ngày có thể nhìn thấy rõ ràng các khu định cư Do Thái với vẻ bề thế, khang trang nổi bật và được bố phòng nghiêm ngặt với các tram kiểm soát và hàng rào bao quanh. Còn khi trời tối cứ nhìn thấy những cột đèn cao vút lên, nhấp nháy màu đỏ thì đó chính là khu định cư Do Thái. Các khu định cư của người Israel ở Bờ Tây được xây trên đất chiếm đóng trong cuộc chiến 1967 là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế, song Israel vẫn bảo vệ quyết định này và tiếp tục xây dựng thêm các khu định cư mới.

 Một trường học gần trại tị nạn Aida không được như bình thường, các cửa sổ đều được bịt kín mít. Anh Kareem Amira, Giám đốc Trung tâm Thanh niên ở trại tị nạn Aida giải thích, đó là phòng khi có xung đột, đạn có thể bay lạc gây nguy hiểm cho các em học sinh. Trong trường có một khu trú ẩn để học sinh và giáo viên ẩn nấp khi có nguy hiểm, anh Kareem Amira cho biết.

 Khi tới thị trấn Idna ở thành phố Hebron, chúng tôi được chứng kiến cảnh binh lính Israel dừng một chiếc xe ở bên đường để kiểm soát an ninh. Idna là quê hương của Đại sứ Saadi Salama. Ông nói, nhà ông ở gần trạm kiểm soát của Israel nên hằng ngày, cảnh tượng như thế này chẳng hề lạ lẫm. Nhà của ông và những người anh em trong gia đình mới hôm rồi còn bị lính Israel sục sạo khi tìm bắt người biểu tình trong dịp kỷ niệm Ngày Thảm họa Palestine – Al-Nakba (15/5). Ở những nơi khác, trên đường gần các khu định cư, thỉnh thoảng chúng tôi cũng gặp những chiếc xe ủi cỡ lớn của Israel. Báo chí, truyền hình thế giới vẫn đưa hình ảnh những chiếc xe ủi kiểu này của Israel san ủi các chướng ngại vật, kể cả nhà cửa của Palestine để xây dựng các khu định cư Do Thái, sự chống trả quyết liệt của Israel đã gắn vùng đất Trung Đông này với những biệt danh đáng sợ là “thùng thuốc súng”, rồi “chảo lửa xung đột”...

 Thế nhưng, tuyệt nhiên chúng tôi chẳng nghe một lời khuyến cáo “không nên ra ngoài buổi tối” khi ở Ramallah. “An ninh trật tự ở đường phố Ramallah của người Palestine tốt lắm, trộm cướp hầu như không có vì đây là đất nước có phong tục tập quán và nếp sống xã hội không tha thứ cho những ai vi phạm”, Đại sứ Saadi Salama nói. Chúng tôi đi dạo phố ban đêm ở Ramallah mà chẳng lo sợ sẽ bị bắt cóc như ai đó đã dọa trước khi sang đây. Có đêm cả đoàn còn tự bắt ta-xi tới một quán bar nổi tiếng nhất Palestine được tờ Thời báo New York mô tả là “điểm nóng nhất ở Ramallah” - Snobar (Quán Cây thông) để nghe nhạc và xem khiêu vũ. Snobar nằm trên một sườn đồi, núp mình dưới những tán thông già cao vút, mới thực sự là một thế giới tự do ngay giữa một đất nước bị chiếm đóng. Nơi đây, các nam thanh nữ tú thoải mái trong cách ăn mặc, đắm mình trong nhạc sôi động và thể hiện tình cảm yêu đương, trò chuyện và gặp gỡ bạn bè.

 

 Kỳ VII

 Ước vọng độc lập

 Tình hình an ninh ở Palestine đã được cải thiện hơn rất nhiều so với những năm trước đây khi xung đột Palestine và Israel ở giai đoạn khốc liệt. Chính quyền Palestine dần thành công trong việc đoàn kết các phe phái, kiểm soát được hành động của các tay súng cực đoan và duy trì an ninh tại khu Bờ Tây. Trên đường phố thi thoảng lắm chúng tôi mới gặp các xe cảnh sát của lực lượng an ninh Palestine đứng chốt bên đường. Israel hiện nay đã chuyển giao quyền kiểm soát an ninh cho chính quyền Palestine đối với một số thành phố ở khu Bờ Tây. Nhưng tại một số khu vực đặc biệt nhạy cảm và các khu định cư Do Thái, Israel luôn luôn duy trì việc kiểm soát và bảo vệ an ninh nghiêm ngặt 24/24 giờ.

 Đi qua những trạm kiểm soát, đối mặt với những bức tường ngăn cách ... tôi càng hiểu rõ hơn ý chí của người Palestine trong cuộc đấu tranh giành độc lập và đòi chủ quyền lãnh thổ. Tiếp theo những cuộc xung đột đổ máu, giờ đây Palestine đang hướng tới mục tiêu được thế giới công nhận là một nhà nước độc lập bằng con đường ngoại giao. Với sự lạc quan cao, người Palestine đang chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai, khi nhà nước độc lập ra đời. Không chỉ là việc chuẩn bị thành lập một chính phủ Palestine đoàn kết, các cơ sở hạ tầng và chuẩn bị nhân sự cũng đã nằm trong kế hoạch. Học viện an ninh Palestine ở thành phố Jericho mà chúng tôi tới thăm khá bề thế, nơi có thể bảo đảm nguồn nhân lực cung cấp cho lực lượng an ninh có vai trò quan trọng ở Palestine.

 Tiềm năng kinh tế, du lịch và những gì thiên nhiên ưu đãi cho Palestine nhiều là vậy, nhưng đều chưa được khai thác tốt ở mức đáng phải có. Chỉ bởi một nhẽ Palestine là một đất nước nhưng không có độc lập, chủ quyền và nền kinh tế phải phụ thuộc hoàn toàn vào nước chiếm đóng là Israel.

 Với Palestine, Israel là “đối tác kinh tế bắt buộc”. Mọi hàng hóa nhập khẩu vào Palestine đều phải thông qua Israel. Một năm kim ngạch thương mại Palestine và Israel vào khoảng 4 tỷ USD. Người Palestine phải chịu thuế thu nhập và mức giá cả sinh hoạt cao như người Israel, trong khi thu nhập của họ thấp hơn rất nhiều lần so với với người Israel. Thảo nào cô bạn đồng nghiệp Shorouq Zaid ở Thông tấn xã Palestine (WAFA) nói có thu nhập 800USD/tháng mà không dám chi tiêu thoải mái.

 Tiếp đoàn nhà báo Việt Nam tại trụ sở của Bộ Du lịch Palestine ở Bethlehem, bà Bộ trưởng Khouloud Daibes-Abu Dayyeh như thể được dịp giãi bày: “Bethlehem là điểm đến du lịch hấp dẫn thu hút 80% trong số 2 triệu khách tới Palestine hằng năm, nhưng chúng tôi gặp phải rất nhiều thách thức. Chúng tôi không thể phát triển được vì biên giới và việc đi lại bị kiểm soát, cũng không được quyền cấp thị thực cho người nước ngoài tới Palestine. Và đáng tiếc là chúng tôi không thể khai thác du lịch từ biển Chết”, bà Dayyeg nói. Bà còn cho biết, du lịch đóng góp tới 15% cho GDP hằng năm nhưng nếu được tự do phát triển, con số này có thể cao hơn nữa. Bà bộ trưởng bức xúc: “Các hoạt động quảng bá và thúc đẩy du lịch của Palestine đều bị Israel tìm cách hạn chế”. Bà chốt lại một câu mà chúng tôi thường được nghe trong các cuộc gặp gỡ với giới chức Palestine: “Điều cơ bản là Palestine phải có được nhà nước độc lập của riêng mình”.

 Hơn ai hết, chúng tôi hiểu rõ những tâm tư của bà Bộ trưởng Du lịch bởi chính chúng tôi cũng vừa phải trải qua thực trạng này. Cả đoàn phải ăn trực nằm chờ ở Jordan 5 ngày để đợi Israel cấp thị thực cho phép chúng tôi vào Palestine.

 Thống đốc tỉnh Hebron Kamel Hemeid đánh giá cao sự có mặt của đoàn nhà báo Việt Nam tại khu Bờ Tây của Palestine. Tới Hebron, mặc dù không phải là đoàn cấp cao nhưng chúng tôi được xe cảnh sát hú còi dẫn đường vào tần cửa chính trụ sở chính quyền tỉnh Hebron. Ông thống đốc nói: “Sự có mặt của các bạn là rất quan trọng, góp thêm tiếng nói giúp mọi người trên thế giới hiểu hơn về tình hình Palestine, hiểu sự thực đang tồn tại ở đây”. Ông cho biết nhiều khách quốc tế tới Hebron đều phải phẫn nộ khi chứng kiến những gì mà người dân Palestine phải chịu đựng nơi đây dưới ách chiếm đóng. Hebron là nơi duy nhất ở khu Bờ tây có một cộng đồng nhỏ người Do Thái sinh sống giữa lòng một thành phố của người Palestine. Thống đốc kể chỉ vì một cộng đồng nhỏ khoảng 400 người định cư Do Thái sống tại 34 khu nhà định cư tại Hebron mà hơn 700 nghìn dân Palestine ở thành phố này phải chịu sự kìm kẹp do an ninh Israel siết chặt. Có tới 220 trạm kiểm soát được Israel lập ra tại thành phố này.

 Còn tại thành phố hơn 10 nghìn năm tuổi Jericho, tình cảnh cũng không khá hơn. Thống đốc Jericho, ông Majed Al-Fityani cho biết, người Palestine sinh sống trên 7% diện tích, còn lại là khu quân sự và các khu định cư Do Thái. Trong số 28 khu định cư Do Thái tại đây thì có tới 22 khu không có người ở, chỉ có người nông dân Israel tới canh tác, trồng trọt. Người Palestine không được phép xây dựng dù chỉ là một hòn đá ở Jericho, nơi thấp hơn mực nước biển 400 mét, trung tâm thành phố thì thấp hơn khoảng 320 mét. Người dân Palestine sống tại đây thiếu nước vì các nguồn nước đều do Israel kiểm soát nên phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp chủ yêu của Israel.

 

Kỳ VIII

 Những cây ô-liu… bất khuất

            Tạo hóa thật khéo sắp đặt mảnh đất chưa yên bình này lại là nơi nuôi dưỡng những cây ô-liu có màu xanh biếc, biểu tượng của hòa bình. Tôi nhớ đến một câu nói nổi tiếng của cố chủ tịch Arafat khi ông lần đầu tiên xuất hiện tại Đại hội đồng LHQ năm 1974 rằng: “Tôi đến đây mang theo cành ô-liu của hòa bình và khẩu súng của người chiến sỹ đấu tranh vì tự do. Xin đừng để cành ô-liu rơi khỏi tay tôi”. Cây ô-liu từ bao đời nay vẫn ăn sâu, bám rễ và xanh tốt ở mảnh đất khô cằn Palestine. Người Palestine cũng vậy, họ kiên cường như cây ô-liu bám rễ sâu vào lòng đất dù khô cằn, sỏi đá để vươn lên cùng ý chí mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.

           Tại Palestine, đi khắp hang cùng ngõ hẻm, đâu đâu cũng có thể bắt gặp những con người đã và đang tham gia các cuộc biểu tình đấu tranh đòi đất đai bị người Israel chiếm đóng. Đa phần họ đều đã từng bị giam giữ tại các nhà tù của Israel chỉ vì có các hành động chống nhà nước Do Thái. Làng Balin thuộc ngoại vi Ramallah là một làng điển hình cho phong trào đấu tranh đòi đất, phản đối Israel dựng hàng rào chiếm đất trên lãnh thổ Palestine. Từ nhiều năm qua, cứ thứ sáu hằng tuần, già trẻ, lớn bé ở làng Balin lại tập hợp biểu tình phản đối Israel. Đoàn biểu tình lúc vằng thì có hơn trăm người, lúc đông lên tới vài trăm người. Trung bình ở Balin cứ 50 người thì có một người từng bị Israel cầm tù. Hiện nay, làng Balin cón 15 người đang bị Israel giam giữ.

           Chúng tôi được chứng kiến một cuộc biểu tình định kỳ hằng tuần như thế ở Balin vào ngày 20/5. Cả đoàn hô vang khẩu hiệu “Không chiếm đóng nữa, tự do và hòa bình cho Palestine”, tiến về phía có hàng rào thép gai do Israel dựng lên để lấn đất của làng. Bất chấp hành động chấn áp của lính Israel đứng bên kia hàng rào bắn đạn cay, vòi rồng, bom thối và có thể cả đạn cao su, những người biểu tình vẫn xông lên ném đá, đốt lốp ô tô, khói bay mù mịt cả một vùng. Chúng tôi đứng tác nghiệp tại cuộc biểu tình cũng bị hơi cay xộc lên mũi, lên mắt cực kỳ khó chịu.

           Đặc biệt, cuộc biểu tình do dân làng Ban-in tổ chức lần nào cũng có sự tham gia của vài chục người Israel. Một trong số này có anh Roi, 38 tuổi, thuộc một nhóm phi chính phủ chống lại việc Israel xây dựng bức tường trên lãnh thổ Palestine. Anh chuyên làm nhiệm vụ hướng dẫn cho những người biểu tình đối phó với các vũ khí trấn áp biểu tình của quân đội Israel. Đang là một giảng viên đại học ở Jerusalem, anh bỏ giữa chừng theo đuổi con đường ủng hộ Palestine. Anh nói, chứng kiến những gì Israel đã làm với Palestine, chúng tôi thấy bất công cho họ, nên cho dù là người Israel, chúng tôi vẫn muốn bày tỏ tình đoàn kết với người Palestine. Tuy gặp không ít phiền toái với các nhà chức trách Israel như việc bị gọi lên nhiều lần để thẩm vấn, những người Israel ủng hộ Palestine như anh Roi vẫn không từ bỏ những hành động đứng về phía người Palestine.

           Dân số của làng Banlin chỉ khoảng 1.750 người, trước đây chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp. Ông Ahmad Samara, 63 tuổi kể sau cuộc chiến tranh năm 1967, chính sách chiếm đóng của nhà nước Do Thái đã hiện đại hóa nông nghiệp. “Họ gián tiếp đẩy chúng tôi thành những người đi làm thuê cho họ để kiếm sống. Họ phá giá các mặt hàng nông sản của nông dân trong làng…”, ông Samara chua xót tâm sự. Đây cũng là tình trạng chung của người dân Palestine dưới ách chiếm đóng. Vậy là chúng tôi lại được nghe thêm câu chuyện về nỗi thống khổ này, những câu chuyện chúng tôi nghe đã quen khi tới đây.

           Tới Quảng trường Sư tử ở trung tâm thành phố Ramallah, cả một dãy vỉa hè rộng dài được người dân Palestine bài trí như một nhà tù với chằng chịt dây thép gai và treo những tấm ảnh các tù nhân Palestine hiện đang bị Israel giam giữ. Những tấm chân dung đó có cả ngày tháng năm họ bị bắt giữ nhưng nay đã nhiều năm trôi qua vẫn chưa thấy trở về. Hiện nay, Israel đang giam giữ khoảng 10 nghìn người Palestine. Còn tính từ năm 1967, khoảng 760 nghìn người Palestine bị giam giữ trong các nhà tù khác nhau của Nhà nước Do Thái.

           Một bà mẹ Palestine tên Khaula Nakhla ở trại tị nạn Jalazon, ngoại vi Ramallah, có con trai đang ở trong nhà tù Israel, đã nói một câu khiến ai nghe cũng phải ngẫm nghĩ rằng: “Không chỉ riêng con tôi bị tù, gia đình nào ở Palestine chẳng có người bị Israel bắt giam. Cả nhân dân Palestine đang bị sống trong nhà tù đấy thôi”.

           Thật ngạc nhiên khi biết những thanh niên chỉ mười chính đôi mươi mà chúng tôi gặp trên đường ở trại tị nạn Jalazon, từng là tù nhân của Israel. Em Morad bị bắt khi 16 tuổi vì tham gia ném đá vào lính Israel. Em Ahmeel Damra mới 15 tuổi nhưng từng bị Israel giam 3 năm trong tù. Gia đình em có 4 anh em thì 3 người từng bị vào tù. Gặp các em, tôi nhớ tới lời nói gang thép Mohanail Shaker Tumarzi, người nổi tiếng khắp Palestine vì 9 lần vào tù trong 9 năm: “Người Palestine từ thế hệ này sang thế hệ khác quyết đòi những gì bị cướp mất. Nếu thế hệ của cha ông không làm được, thế hệ con cháu họ sẽ tiếp tục làm”. Gia đình ông cúng cha truyền con nối đấu tranh đòi độc lập dân tộc.

           Đến Palestine càng thấm thía câu nói đã thành chân lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đó cũng là khát vọng hoàn toàn chính đáng của nhân dân Palestine.

 

Kỳ IX

 “Niềm tin Việt Nam”

 Lần đầu tiên đến Palestine nhưng chúng tôi chẳng hề thấy mình là những vị khách lạ từ phương xa tới. “Tới bất kỳ đâu, gặp bất kỳ ai ở Palestine, chỉ cần nhắc đến hai chữ Việt Nam bạn sẽ thấy mình được yêu quý như thế nào”, Đại sứ Saadi Salama dặn dò trước chuyến đi. Từ lâu, chúng tôi vẫn biết Việt Nam và Palestine có mối quan hệ bạn bè truyền thống, hết lòng ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Vậy mà khi đến tận nơi vẫn không thể ngờ người Palestine lại biết rõ về Việt Nam nhường vậy.

 Chúng tôi có câu trả lời tại cuộc gặp với Thị trưởng thành phố Jericho. Ông nói: “Việt Nam đánh thang thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, tại sao chúng tôi không thể đánh thắng kẻ thù để giành độc lập dân tộc? Độc lập tự do chính là khát vọng của Palestine. Việt Nam là một kinh nghiệm rất đáng học tập cho nhân dân Palestine”. Bạn bè quốc tế, nhất là các dân tộc từng là thuộc địa luôn coi Việt Nam là điển hình, là tấm gương về tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc... Nhưng riêng ở Palestine, cái tên “Việt Nam” còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Việt Nam không chỉ là tấm gương, là nguồn cảm hứng, mà còn là khát vọng cháy bỏng, tạo cho họ niềm tin vững chắc vào một tương lai độc lập, tự do. Có thể cảm thấy rõ ràng như vậy trong các “câu chuyện về Việt Nam” mà những người Palestine chia sẻ với chúng tôi. Những người Palestine này đều có ít nhiều kỷ niệm liên quan tới những chiến thắng lịch sử của Việt Nam.

 Giám đốc Học viện Anh ninh Palestine, Thiếu tướng Taulich Tiraui nhớ lại những ngày tháng hân hoan, vui mừng gần như trên khắp đất nước Palestine khi nghe tin chiến thắng của Việt Nam. Ông lạc quan: “Khi chúng tôi giành độc lập và quyền tự chủ, niềm vui của chúng tôi cũng sẽ giống như khi Việt Nam giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Vị tướng có phong thái giản dị, gần gũi này không có vẻ gì là người thích nói những lời khách khí, lấy lòng.

 Tiến sỹ, Đại sứ Taisir Jaradat, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Palestine về thế giới Arab, là quan chức Palestine đầu tiên chúng tôi gặp. Khi hay tin chúng tôi đã tới được Ramallah, ông chủ động tìm gặp cả đoàn ở khách sạn và cùng đại sứ Saadi Salama mời chúng tôi đi uống trà, hút Shisha (thuốc lào Arab) ở một nơi đặc biệt có thể ngắm nhìn toàn cảnh Ramallah về đêm từ trên cao. Ông xúc động kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm khó quên liên quan tới Việt Nam. “Ngay từ lần đầu tiên được tới Việt Nam trong một chuyến tháp tùng Chủ tịch Arafat, tôi đã cảm thấy rất thân quen. Tôi vẫn nhớ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp Chủ tịch Arafat trong lần tới Việt Nam sau khi Việt Nam thống nhất đất nước. Khi đó, Tướng Giáp đã trao lá cờ giải phóng của Việt Nam cho Palestine và nói rằng, nhiệm vụ của Palestine là tiếp tục đấu tranh giải phóng dân tộc. Các bạn không thể hiểu lá cờ ấy có ý nghĩa động viên tinh thần chúng tôi như thế nào đâu”... Ông còn cho biết, anh trai mình đã làm một bài thơ có đề dòng chữ “Tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh” về chiến thắng của Việt Nam năm 1975.

 Và có một người Palestine mà đoàn nhà báo chúng tôi cứ tiếc mãi vì không thể phỏng vấn được ông, đó là ông Fathi Hamdi, cựu vệ sĩ của Chủ tịch Arafat. Ông quá bận rộn trong vai trò người phụ trách an ninh, nhất là trong dịp đặc biệt Palestine đón hàng trăm nhà báo quốc tế tới tác nghiệp. Nhưng ông vẫn tìm cách trò chuyển tận tay chúng tôi những bức ảnh kỷ niệm còn rất mới mà ông cất giữ cẩn thận trong một chuyến tháp tùng Chủ tịch Arafat tới Việt Nam. Trong đó có ảnh ông chụp cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tấm ảnh người dân Việt Nam vẫy cờ, hân hoan chào đón Chủ tịch Arafat hai bên đường. Nhưng ông dặn thêm chúng tôi phải chuyển trả ông những bức ảnh này thông qua đại sứ quán Palestine tại Hà Nội.

 Chắc không người Việt nam nào tưởng tượng được rằng, từng có một lễ ăn mừng chiến thắng năm 1975 của Việt Nam do những tù nhân Palestine tổ chức ngay tại một nhà tù của Israel. Ông Ahmad Samara ở làng Balin là một trong những người tù đó. Những người bị tù thuộc các nhóm chính trị khác nhau nhưng đều đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng Palestine và trong tù họ cũng không ngừng đấu tranh. Những tù nhân cộng sản của Palestine bí mật viết vào một mẩu giấy trong đó ghi “mật lệnh” rằng tất cả các tù nhân sẽ cùng lúc hát vang bài hát mang tên “Quê hương tôi”. Đó là tầm 4 giờ chiều, là thời gian các phòng giam được phát trà để uống. Khẩu hiệu “Việt Nam độc lập, dân chủ, thống nhất muôn năm” được hô vang khắp các phòng giam trong nhà tù. Một tuyên bố về chiến thắng của nhân dân Việt Nam cũng được đọc vang. Chúng tôi uống trà, có cả bánh kẹo để ăn mừng trong buổi lễ ấy. Khi đó, chính quyền Israel đã phải báo động trong nhà tù vì một bầu không khí kích động lan khắp các phòng giam.

 Ông Khalil Tumarzi ở thị trấn Idna, nơi phong trào đấu tranh chưa bao giờ tắt, từng được tham gia một buổi liên hoan ăn mừng chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam năm 1954 ngay tại làng Idna. Khi đó, ông mới là một cậu bé 11 tuổi, học lớp 5.

 Đoàn nhà báo chúng tôi được tiếp đãi như “thượng khách” ở Palestine. Ra chợ, chúng tôi được tặng một túi cốm có vị béo bùi gần giống cốm ở Việt Nam nhưng được làm từ lúa mì non. Người bán hàng chối đây đẩy, không chịu nhận tiền khi Đại sứ Saadi Salama giới thiệu chúng tôi là người Việt Nam.

 Chưa hết. Tới thăm gia đình Đại sứ Saadi Salama hay tới thăm những người bạn của ông, chúng tôi đều nhận được những tình cảm hết sức nồng hậu. Bà mẹ có khuôn mặt hiền hậu của Đại sứ còn mang ra bộ váy áo truyền thống sặc sỡ của Palestine ự tay mặc cho tôi và chụp ảnh cùng. Họ nhiệt tình thiết đãi chúng tôi bằng những món ăn truyền thống Palestine. Nào bò, gà, cừu nướng kiểu Arab ăn với sa lát trộn dầu ô-liu, bánh mì kiểu Palestine…

 Chúng tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh bà mẹ Palestine già móm mém bê đĩa thịt nướng nhất định mời chúng tôi dùng nữa trong khi cả đoàn đã no căng. Đó là khi tới thăm gia đình anh Jafer Khawaja ở làng Nelin, ngoại vi Ramallah, nơi chúng tôi lần đầu tiên được thưởng thức món bánh Kenafeh truyền thống của Palestine, vốn chỉ được làm mỗi khi nhà đón khách quý. Họ tiếp đón đoàn nhà báo Việt nam hệt như đón những người thân mới đi xa về vậy.

 Những tình cảm chân tình, ấm áp ấy của những người dân Palestine theo chúng tôi mãi cho tới tận khi đã rời khỏi đất nước Palestine về nước và mãi mãi sẽ là những kỷ niệm đẹp khó quên.