Trang chủ Giới thiệu Palestine Các bài báo về Palestine Palestine - Miền đất của khát vọng tranh đấu (Kỳ 1 đến 5)

Palestine - Miền đất của khát vọng tranh đấu (Kỳ 1 đến 5)

Thứ sáu, 07 Tháng 3 2014 11:34

Chuỗi bài viết của Nhà báo Mỹ Hạnh, Báo Quân đội Nhân dân

Kỳ 1

Khát vọng hồi hương

Chúng tôi đang có mặt ở Amman, thủ đô Vương quốc Jordan để chờ cấp thị thực vào lãnh thổ Palestine tham dự những sự kiện nhân 63 năm Ngày thảm hoạ Palestine (Al-Nakba) (15/5/1948 – 15/5/2011), theo lời mời của Chính quyền Palestine thông qua Đại sứ quán Palestine tại Việt Nam. Chưa có trong tay thị thực, nhưng chúng tôi quyết định lên máy bay dù chưa chắc chắn mình có được cấp giấy phép ở Amman để từ đó vào Palestine hay không.

Ngày thứ nhất, rồi ngày thứ hai, chúng tôi chờ đợi trong tâm trạng ruột gan như lửa đốt. Ai cũng chỉ mong được sang tác nghiệp ngay vì biết rằng ở Palestine - nơi cách chỗ ở của chúng tôi chỉ chưa đầy trăm cây số, đang có những cuộc biểu tình, tuần hành hoà bình, sôi nổi của nhân dân Palestine. Họ cùng nhau tập hợp tưởng nhớ ngày khoảng 700 nghìn đồng bào Arab của mình phải rời khỏi quê hương trở thành người tỵ nạn khi Nhà nước Israel ra đời theo Nghị quyết của LHQ. Số này đã tăng lên hơn 5 triệu kể từ năm 1948 cho đến nay. Người Palestine dù ở trong hay ngoài lãnh thổ thường làm vậy vào mỗi dịp Al-Nakba hằng năm để nhấn mạnh tới ước nguyện và quyền được hồi hương của những người tỵ nạn Palestine. Ở Jordan, qua báo chí địa phương chúng tôi được biết người Palestine tỵ nạn cũng biểu tình hoà bình kỷ niệm ngày Al-Nakba tại thành phố Karama ở Tây Bắc Jordan.

Hai ngày chờ đợi (13 và 14/5), chúng tôi vẫn nuôi hy vọng sẽ có được bài tường thuật nóng hổi từ Palestine về các hoạt động vào đúng ngày Al-Nakba. Nhưng mọi việc đã không diễn ra như trông đợi. Con đường đến Palestine thật không dễ dàng đúng như dự đoán trước chuyến đi. Vẫn biết đến Palestine vào dịp nhạy cảm như thế này là không thuận lợi trong bối cảnh Israel tăng cường các biện pháp an ninh đề đối phó với những bất ổn nảy sinh trong ngày Al-Nakba. Israel hiện nay vẫn nắm quyền kiểm soát không phận, hải phận và các cửa khẩu dẫn vào các vùng lãnh thổ của Palestine.

Vậy còn hàng triệu người tỵ nạn đã phải chờ đợi suốt hơn 63 năm qua để được trở về thì sao? Con đường trở về nơi chôn rau cắt rốn của những người tỵ nạn Palestine trong bối cảnh hiện nay phải nói là cực kỳ gian nan. Không chỉ là chuyện đi lại khó khăn do thủ tục phức tạp, kiểm soát an ninh ngặt nghèo của Israel mà cái chính vẫn là tại nơi định cư phát triển của người Do Thái. Chưa kể biết bao vấn đề chính trị phức tạp khác nảy sinh mà Israel khó chấp nhận nếu hàng triệu người tỵ nạn Palestine khác được quyền hồi hương. Hồi hương người tỵ nạn Palestine đang là một trong những vấn đề gai góc nhất và gây trở ngại lớn cho nỗ lực giải quyết xung đột Palestine và Israel.

Hiện nay, Luật Nakba mới của Israel ngăn cấm việc tổ chức kỷ niệm ngày Al-Nakba nhằm xoá bỏ ý thức của những người Arab đang sống tại Israel về vấn đề hồi hương. Nhưng ước nguyện hồi hương của những người gốc Arab ở Israel đã ăn sâu vào tâm thức của họ và sẵn sàng bùng phát bất cứ lúc nào. Thậm chí khi dự luật Al-Nakba còn ở giai đoạn bàn thảo, tại Israel đã xảy ra tranh cãi quyết liệt về quy định bỏ tù 3 năm bất cứ ai tham dự các lễ kỷ niệm Al-Nakba. Cộng đồng người Arab ở Israel khi đó đã phản ứng mạnh mẽ đối với dự luật. Nghị sỹ gốc Palestine ở Israel là Ha-na Xoa-ít đã gọi dự luật này là "phân biệt chủng tộc".

Theo nhà nghiên cứu Trung Đông và Arab Nguyễn Ngọc Hùng, việc Israel cản trở các hoạt động kỷ niệm Al-Nakba cũng dễ hiểu. Họ không muốn tâm lý thù hận Israel của người Arab Palestine được dịp bùng phát và đưa lại những hậu quả khôn lường đối với Nhà nước Do Thái.

Anh tài xế xe buýt du lịch chở chúng tôi tên Taleb Khateep cũng là con cháu của những người Palestine tỵ nạn ở Jordan. Anh nói: "Con đường trở về Palestine của chúng tôi không đơn giản. Cha ông chúng tôi muốn trở về nhà của mình nhưng không bao giờ được chấp nhận". Tại Jordan, người ta dễ dàng bắt gặp những người gốc Palestine như anh Khateep. Ước tính hiện có khoảng 3.5 triệu người Palestine đang sống tỵ nạn tại Jordan. Tổng cộng trên thế giới có khoảng 6 triệu người tỵ nạn Palestine đang sinh sống, phần lớn tại các nước Arab trong khu vực. Còn lại là những người Palestine không cam chịu sống cảnh bị phân biệt đối xử, gò bó, nghèo đói trong các trại tỵ nạn của LHQ, nên đã bỏ đi sinh sống và làm ăn ở các nước khác. Đó là chưa kể những người Palestine đang phải sống trong cảnh tỵ nạn ngay chính trên quê hương Palestine của mình.

Dịp kỷ niệm Al-Nakba năm nay, chính quyền Palestine chủ trương tổ chức một loạt sự kiện và hoạt động đặc biệt với nhiều mục đích. Không chỉ nhằm khẳng định trước sau như một quyền hồi hương của người tỵ nạn Palestine, Palestine muốn ăn mừng việc các nhóm chính trị đạt được thoả thuận hoà giải dân tộc. Palestine cũng muốn chứng tỏ cho cả thế giới biết rằng họ đã có một dân tộc đoàn kết và xứng đáng có được một nhà nước độc lập vào tháng 9 tới tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ.

Ngoài các hoạt động tự phát của các nhà tổ chức hoạt động Palestine, còn có nhiều hoạt động chính thức được chính quyền Palestine do Tổng thống Áp-bát lãnh đạo tổ chức nhằm kỷ niệm ngày Al-Nakba như mít-tinh, tổ chức các hoạt động giao lưu thể thao, tổ chức giải đấu bóng đá với một số nước... Hằng trăm nhà báo quốc tế ở các nước đã được mời tới Palestine nhân dịp này. Palestine muốn truyền đi bức thông điệp tới cả thế giới rằng, cả dân tộc Palestine luôn khát khao độc lập, hoà bình và sẵn sàng làm tất cả để giành lấy các quyền dân tộc cơ bản của mình.

 

 Kỳ 2

Tình huống không mong muốn

          Nhóm nhà báo Việt Nam đang có mặt tại nơi được mệnh danh là tâm điểm của bạo lực - chảo lửa xung đột Trung Đông, nơi từng chứng kiến cuộc chiến tranh khốc liệt giữa các nước Arab với Israel để tranh giành mảnh đất sinh tồn.

           "Tại khu Bờ Tây đã diễn ra cuộc biểu tình rầm rộ gần trại tị nạn và trạm kiểm soát Kalandiya chặn ngay cửa chính tiến vào Bờ Tây từ phía Israel. Một thanh niên Palestine 16 tuổi thiệt mạng ở gần Đông Jerusalem vì trúng đạn... Người biểu tình ném đá tới tấp vào lực lượng an ninh Israel và bị trấn áp quyết liệt bằng súng và đạn hơi cay"... Những tin tức bạo lực kiểu như vậy từ vùng nóng cứ liên tục dội vào tai, đập vào mắt mọi người qua đài, ti vi, khiến chúng tôi càng thêm nóng ruột vì phải nằm bẹp tại khách sạn ở Jordan do chưa được Israel cấp giay phep vào vùng đất Palestine. Đáng lẽ cả đoàn đã có thể được tận mắt chứng kiến những sự kiện nóng bỏng này và tha hồ tác nghiệp cho dù chẳng ai muốn điều đó xảy ra. Cơ hội được tác nghiệp như một phóng viên chiến trường đã qua đi ngay trước mắt tôi.

          Chúng tôi bị kẹt tại Amman, thủ đô của Jordan đúng 5 ngày. Mỗi ngày qua đi là cơ hội được đến vùng đất máu lửa nhất thế giới càng vuột xa khỏi tầm tay. Cả đoàn nhà báo Việt Nam được mời tới Palestine nhân dịp kỷ niệm Al-Nakba, đều chung tâm trạng tiếc nuối cho một chuyến xuất ngoại tác nghiệp mà đời làm báo dễ có mấy lần.

          Trong những ngày chờ đợi, kế hoạch tranh thủ khám phá Jordan của đoàn nhiều lần phải thay đổi. Cứ mỗi lần bấm di động liên lạc với Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama đã về Palestine trước đó, chúng tôi lại được thông báo chờ một lúc nữa sẽ có tin vì phía Israel chưa trả lời. Vậy là cả ngày hôm đó cả đoàn chầu chực ở khách sạn, chỉ dám đi bách bộ loanh quanh ngắm cảnh và chụp ảnh, quay phim, để xua đi bầu không khí ngột ngạt, nặng nề vì sự chờ đợi mịt mù.

          Sang ngày thứ hai, quyết định không thể "án binh bất động" mãi ở khách sạn nên cả đoàn thuê xe đi tắm ở Biển Chết của Jordan cách đó 45 phút xa chạy. Ngâm mình trên Biển Chết, chúng tôi nhìn sang bờ bên kia không xa là thánh địa Jerusalem với nhiều suy ngẫm về vùng đất Trung Đông máu lửa này. Tại sao chỉ cách một eo biển ngắn ngủn, hay cách vài chục cây số đường bộ, mà người bên này muốn sàn bên kia lại khó khăn dường vậy? Nhà nghiên cứu Trung Đông và Arab Nguyễn Ngọc Hùng cùng đi với chúng tôi nói: "Chưa hết đâu nhà báo trẻ ạ. Nếu sang được bên kia, các bạn còn gặp nhiều bất ngờ khó tin đấy".

          Những ngày trú chân ở khách sạn 5 sao Bristol toạ lạc tại khu VIP của Amman đối với chúng tôi chẳng khác gì bị "giam lỏng". Đó là những ngày nghỉ ngơi bất đắc dĩ. Ngày ngày hết ăn rồi lại ngủ, hệt đi an dưỡng. Các món gà rán, cừu nướng, bò hầm... khiến chúng tôi phát ngán vì gần như ngày nào cũng "bị" ăn. Khổ nhất là mấy đồng nghiệp nam trong đoàn tới Vương quốc Hồi giáo nên trong bữa ăn không có tý "chất cay" càng khó nuốt.

          Những ngày chúng tôi bị kẹt ở Amman cũng là những ngày bạo lực nhất ở Trung Đông trong dịp lễ Al-Nakba năm nay. Cả đoàn đành ngậm ngùi xem trực tiếp trên kênh truyền hình Al-Jazeera các vụ đụng độ căng thẳng, đổ máu giữa người biểu tình Palestine và lực lượng an ninh Israel ở khu vực biên giới và Đông Jerusalem.

          Không chỉ chúng tôi bị kẹt lại ở Jordan mà còn có khoảng vài chục nhà báo của các nước cũng phải chờ Israel cấp giấy phép vào Palestine. Một số đoàn đến Amman sau, nhưng đã vào được Palestine trước chúng tôi. Việc này khiến chúng tôi càng hy vọng mình sẽ sang được "vùng đất thánh". Nhưng điều đó cũng lại khiến chúng tôi hoang mang là vì sao họ đến sau mà lại được vào trước? Liệu đoàn Việt Nam có vấn đề gì chăng nên mới bị kẹt lâu như vậy? Anh em trong đoàn trấn át nhau rằng, "chắc vì bên đó tình hình đang phức tạp nên phía Israel lo ngại vấn đề an ninh nên họ hạn chế cho người vào... Chờ tình hình lắng xuống, qua ngày Thảm hoạ 15/5 thế nào cũng được...".

          Đoàn có 5 người thì 3 người bắt chuyến bay tới Amman trước chúng tôi 2 ngày. 3 đồng nghiệp đó đã làm tổng cộng 3 lần "check out" (làm thủ tục trả phòng khách sạn) mới chính thức rời khỏi được khách sạn Bristol. Những dích dắc này đều vì chúng tôi không biết và cả phía Palestine cũng không biết khi nào Israel cấp giấy phép cho đoàn nhà báo Việt Nam. Ngày thứ 4 chờ đợi, cả đoàn buộc phải chuyển tới một khách sạn khác là khách sạn Canyon nằm khuất nẻo trên một con phố nhỏ, hẹp ở Amman vì Bristol không còn phòng cho chúng tôi tiếp tục ở lại. Phía Palestine vì chắc chắn trong ngày 16/5, sau ngày Al-Nakba, chúng tôi sẽ có giấy phép nên chỉ đặt khách sạn cho cả đoàn đến ngày 16.

          Thêm một ngày thứ năm chờ đợi ở khách sạn Canyon, chúng tôi chán nản nghĩ rằng Palestine có khi cũng trở thành "miền đất hứa" đối với đoàn nhà báo Việt Nam. Cả đoàn đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý "xách va-li về nước", kết thúc một chuyến đi không trọn hành trình. Mặt méo xệch an ủi lẫn nhau, dù sao cũng một lần trong đời được nổi trên Biển Chết, coi như vớt vát được chút đỉnh rồi.

          Vậy mà không thể tin được, cuối cùng chúng tôi cũng có được giấy phép tới Palestine sau bao nỗ lực của Đại sứ Saadi Salama và phía Palestine.

 

Kỳ 3

Những nhà báo Việt Nam đầu tiên tới Palestine

 Việc chúng tôi bị kẹt lại ở Ammanthế mà thành to chuyện. Khi chúng tôi chưa sang được Palestine, báo chí ở đây đã rầm rầm đưa tin đoàn nhà báo Việt Nam phải chờ giay phep cua Israel đã 5 ngày ở Jordan mà chưa được vào. Phía Palestine đã nhờ báo chí quốc tế lên tiếng và Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới can thiệp với Israel. Ông tới Palestine để tham dự giải đấu bóng đá quốc tế do Palestine tổ chức với 16 đội các nước tham gia nhân dịp kỷ niệm ngày Al-Nakba.

 

Khi chúng tôi tới Palestine, ngay ngày hôm sau một số báo của Arab, bao gồm nhật báo AlRai của Jordan cũng đưa tin, bài về việc đoàn nhà báo Việt Nam đã tới Ramallah, thủ phủ của chính quyền Palestine ở Bờ Tây. Tờ AlRai còn viết trong đoàn có một nhà báo nổi tiếng, cây bút viết phóng sự điều tra hàng đầu của Việt Nam là Nguyễn Như Phong. Đây là bài viết của anh bạn đồng nghiệp Oheh Al-Doulah mà chúng tôi gặp ở khách sạn Bristol. Anh ta đã tới bắt tay chúc mừng cả đoàn vì cuối cùng cũng tới được đích.

Đặc biệt, đài truyền hình Palestine đã phỏng vấn đoàn về cảm xúc và suy nghĩ khi bị rơi vào tình huống không mong muốn này. Còn có thể nói gì khác ngoài sự cảm thông và thấu hiểu nỗi khổ của người dân của một đất nước không chủ quyền, không được tự do đi lại, như Palestine. Chúng tôi cũng đã phải nếm trải dù chỉ một phần nhỏ bé so với những gì mà người Palestine phải chịu đựng để thực hiện ước mơ hồi hương trong suốt hàng chục năm qua. Vẫn còn đó những bức ảnh, thước phim tư liệu về tình cảnh người Palestine trước đây phải chờ đợi vất vưởng ở khu vực cửa khẩu để chờ được phép vào lãnh thổ của chính nước mình.

Tới Palestine, nhưng quyền quyết định có cho vào hay không lại nằm trong tay người Israel vì hiện nay Israel kiểm soát tất cả những cửa khẩu tiến vào các vùng lãnh thổ Palestine. Những người Palestine tỵ nạn và con cháu họ tuyệt đối không thể hồi hương. Anh Moath, Chánh văn phòng sứ quán Palestine tại Amman, và anh Mohamad, nhân viên Quỹ quốc gia Palestine tại Jordan, vốn là con cháu của những người tỵ nạn Palestine tại Jordan, đã nhiệt tình tiễn chúng tôi ra tận cửa khẩu. Là người từng sống trong trại tỵ nạn, anh Mohamad nói: "Các bạn may mắn hơn chúng tôi. Nhiều lần dẫn khách quốc tế của Palestine tới đây, nhưng từ hàng chục năm qua chúng tôi chưa một lần đặt chân trên mảnh đất của cha ông mình ở bên kia cửa khẩu".

Chuẩn bị sẵn tâm lý sẽ phải trải qua các trạm kiểm soát an ninh nghiêm ngặt, kể cả việc bị lục tung hành lý, cả đoàn hồi hộp tiến vào Ramallah. Thậm chí, một đồng nghiệp trong đoàn đã phải cẩn thận bỏ lại gói hạt giống định bụng làm quà khi tới làm việc với các cán bộ trong ngành nông nghiệp Palestine. Vì tới Amman, nghe phong phanh có quy định Israel cấm mang các loại quả có hạt vào vùng lãnh thổ do mình kiểm soát vì sợ làm ảnh hưởng tới nền nông nghiệp của Israel. Nhưng thật bất ngờ, chúng tôi chỉ gặp hai trạm kiểm soát an ninh của Israel. Cũng không phải xuống xe hay mở hành lý trong khi chờ nhân viên an ninh kiểm tra hộ chiếu ở các trạm kiểm soát này.

Ở trạm kiểm soát đầu tiên, chúng tôi ngạc nhiên vì xuất hiện khá nhiều chim bồ câu tung cánh khi chiếc xe chồm tới. Có vẻ như lũ chim được ai đó cố tình nuôi ở khu vực biên giới này. Cho dù mục đích gì đi nữa, hình ảnh những chú chim câu, biểu tượng của hoà bình xuất hiện tại vùng đất bạo lực, xung đột, cũng gợi cho người ta những liên tưởng ý nghĩa khi tới vùng đất này. Trên con đường nối giữa Jordan và vùng lãnh thổ do Israel kiểm soát dẫn vào Bờ Tây, dấu vết duy nhất gợi lại cuộc xung đột giữa thế giới Arab và người Do Thái là những hàng rào thép gai ngăn cách hai bờ vốn thường thấy ở khu vực biên giới giữa các nước Arab với Israel.

Có một nhân viên an ninh của Jordan tháp tùng chúng tôi ra tận cửa khẩu do Israel kiểm soát. Có lẽ vì vậy chúng tôi được đi qua dễ dàng. Tới đây, hành lý của đoàn nhà báo Việt Nam cũng chẳng bị soi xét gì. Chỉ có du nhất một nhân viên an ninh ra hỏi hành lý có mang vũ khí hay chất nổ gì không. Mọi thủ tục kiểm tra an ninh diễn ra khá nhanh gọn. Qua cửa khẩu, thẳng tiến vào lãnh thổ Palestine mà cung tôi vẫn chưa thể tin được đó là sự thật. Những nguyên tắc an ninh quả là vẫn luôn khó hiểu.

Tới được Ramallah, chúng tôi được nghe Đại sứ Saadi Salama thông báo tin bất ngờ: "Các bạn có thể tự hào là những nhà báo Việt Nam đầu tiên đặt chân tới vùng lãnh thổ của Palestine". Ông đón chúng tôi, ôm hôn từng người tại khách sạn trong niềm vui vỡ oà, thở phào nhẹ nhõm vì sau nhiều nỗ lực mới đưa thành công các nhà báo Việt Nam vào Palestine. "Việc các bạn tới được đây rất quan trọng. Đây sẽ là chuyến di mở màn cho các chuyến thăm khác của các nhà báo Việt Nam tới đất nước chúng tôi", Đại sứ nói. Trước đây, mới chỉ có một nhà báo duy nhất của Việt Nam là Đại tá nhà báo Lê Kim của Báo Quân đội nhân dân tới các căn cứ của Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) ở Lebanon.

 

Kỳ IV

Hướng về Jerusalem

 Tới Palestine, những kẻ ngoại đạo như chúng tôi đều tìm cách tới bằng được Jerusalem, nơi hội tụ của cả ba tôn giáo là Hồi giáo, Công giáo và Do Thái giáo. Vậy nhưng thành phố được dựng lên từ những "viên gạch tôn giáo" này là "cấm địa". Không một người Palestine nào ở nơi khác được phép vào thánh địa kể từ khi Israel thiết lập chế độ kiểm soát ngặt nghèo tại đây. Israel đã chiem toàn bộ Jerusalem và sáp nhập vào lãnh thổ của mình sau cuộc chiến Trung Đông 6 ngày năm 1967 bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế. Người nước ngoài muốn tới Jerusalem phải có giấy phép của Israel giống như một kiểu thị thực vậy.

Jerusalem nằm ở nơi giao nhau của Israel và Bờ Tây, giữa Địa Trung Hải và Biển Chết. Mảnh đất đầy đồi núi và khô cằn này được coi là chứng kiến Chúa Kito bị hành hình và cũng là nơi đấng tiên tri Muhammad của người Hồi giáo lên trời. Chưa hết, đây còn là mảnh đất mà người Do Thái cho rằng, Chúa trời đã ban tặng cho đầy tớ trung thành là Abraham, tổ tiên của họ. Nơi đây còn lưu giữ hàng trăm dấu tích và hiện vật tôn giáo linh thiêng của cả ba tôn giáo này. Vì vậy, cả người Công giáo, Hồi giáo và Do Thái đều coi Jerusalem là "miền đất hứa", một địa chỉ hành hương linh thiêng.

Chính lịch sử huyền hoặc của Jerusalem, nơi niềm tin tôn giáo ngự trị, đã khiến thánh địa này trở thành nơi "tắm máu" suốt chiều dài lịch sử của nó do các cuộc tranh giành giữa người Do Thái và Arab. Cả người Palestine và Israel đều khẳng định gốc rễ ở Jerusalem nên đều cùng tuyên bố đây là thủ đô của mình. Các văn bản giải quyết xung đột ở đây đều thống nhất thành lập một nhà nước Palestine trong tương lai với Đông Jerusalem làm thủ đô nhưng chưa bao giờ trở thành hiện thực. Người Palestine vì thế thường chọn nơi đây là tâm điểm để tổ chức các cuộc biểu tình nhuốm máu nhân dịp Al-Nakba vừa qua.

Jerusalem thành nỗi đau, sự ám ảnh truyền đời, không dứt của cả dân tộc Palestine, từ người già cho tới những em bé. Cố Chủ tịch Palestine Y. Arafat trước khi qua đời có tâm nguyện được an táng tại thánh địa Jerusalem, nhưng đã không thành hiện thực. Đại sứ Saadi Salama dẫn chúng tôi tới viếng mộ ông, người chiến sỹ suốt đời đấu tranh cho tự do của nhân dân Palestine, trên đường Braxin ở Ramallah. Ông cho biết: "Đây chỉ là nơi an táng tạm thời cố Chủ tịch Arafat. Tới khi nào Đông Jerusalem trở thành thủ đô của Nhà nước Palestine độc lập, thi hài của cố Chủ tịch sẽ được chuyển tới an táng tại đó". Vẫn là ước vọng Jerusalem và ý chí độc lập của người Palestine.

Tới đây dễ dàng bắt gặp những hình ảnh mà người Palestine thể hiện sự khắc khoải về Jerusalem. Trường nữ sinh Tây Ban Nha (do Tây Ban Nha tài trợ xây dựng) ở Ramallah đang diễn ra cuộc triển lãm chung giữa các trường phổ thông ở Ramallah. Nhiều mô hình, tranh vẽ và cả hiện vật trong cuộc triển lãm do các em học sinh tự tay làm thể hiện "Ước mơ Jerusalem". Bức tranh em bé Palestine nhỏ bé cúi gập người cõng trên lưng ngôi đền thiêng Al-Aqsa của người Hồi giáo ở Jerusalem. Một góc chợ đặc trưng của người Palestine ở thánh địa... Và cả những bức tranh vẽ những tù nhân Palestine bị Israel giam giữ...

Vậy đấy, tại Palestine, đến ngay cả trẻ em với tâm hồn vô tư cũng ý thức được chúng đang sống trên một đất nước không có chủ quyền và tự do. Firas Siouri, học sinh lớp 10 trường Hồi giáo ở Ramallah đứng tại quầy hàng bán các loại gia vị tái hiện khu chợ của người Palestine ở Jerusalem nói: "Em chưa từng đặt chân tới Jerusalem. Em mong ước sẽ có ngày được tới đó".

Vấn đề Đông Jerusalem được xem là "hòn đá tảng" lớn nhất ngáng trở tiến trình hoà bình giữa người Palestine và Israel. Bởi vượt lên trên cả yếu tố địa lý, chủ quyền lãnh thổ, cả hai đang phải đối mặt với cả một pho lịch sử, tôn giáo hàng nghìn năm tuổi.

Máu của người Palestine đã đổ không biết bao nhiêu trên thánh địa này. Cuộc đụng độ vào ngày Al-Nakba năm nay là cuộc đụng độ gây thương vong lớn nhất trong số những cuộc biểu tình thường diễn ra vào dịp Al-Nakba trong mấy năm trở lại đây của người Palestine. Tổng thống Palestine Mamoud Abbas đã tuyên bố: "Những giọt máu quý giá ấy sẽ không lãng phí. Máu đã đổ vì mục tiêu tự do cho đất nước chúng ta".

Ở các thành phố hay thị trấn, làng mạc của Palestine, người ta thường bắt gặp những tấm biển ghi dòng chữ Jerusalem và số ki-lô-mét tính từ nơi gắn biển tới vùng đất thiêng đó. Những biểu tượng của Jerusalem hiển hiện khắp nơi trên đường phố, trong các cửa hàng, ở các khách sạn hay từ những hình vẽ trên đường phố, trên bức tường ngăn cách...do Israel dựng lên tại những vùng Israel chiếm từ năm 1967

Tinh thần và ý chí của người Palestine làm tôi nhớ tới câu nói của nhà thơ Palestine nổi tiếng thế giới Mahmoud Darwish đại ý là, trong mỗi một con người chúng ta đều có một phần gì đó của Chủ tịch Arafat. "Cái phần" đó trong mỗi người dân Palestine chính là tinh thần và ý chí đấu tranh đến cùng vì các quyền dân tộc cơ bản của mình.

 

Kỳ V

Ngỡ ngàng Palestine

 Một cơ hội hiếm hoi đã đưa đoàn nhà báo Việt Nam đến Palestine, vùng đất nằm ở vùng Trung Đông mà thoạt nghe ai cũng nghĩ ngay tới bạo lực và chiến tranh. Bạn bè, họ hàng tôi đều thắc mắc, sao lại đến nơi nguy hiểm thế? Về Việt Nam rồi họ lại hỏi có sợ không? Có đặt chân tới “xứ sở ô-liu” rồi mới thấy suy nghĩ đó không sai, nhưng mới chỉ đúng một phần…

           Chúng tôi có cảm giác như đang đi trên đường phố ở Đà Lạt mộng mơ của Việt Nam vì địa hình Ramallah, thủ phủ của chính quyền Palestine tại Bờ Tây, dốc lên, dốc xuống. Không khí mát mẻ ban ngày, còn ban đêm lại rất lạnh dù đang ở giữa mùa hè. Nhìn chung là khí hậu cực kỳ dễ chịu vì Palestine được thiên nhiên ưu ái bởi nằm ngay ở bờ nam Địa Trung Hải. Ramallah là thành phố nằm trên dải đất uốn lượn trên các quả đồi. Chỉ có thể nói bằng hai từ “hùng vĩ” và “tuyệt đẹp” khi ngắm nhìn từ trên cao các khu phố nhà cao tầng trải rộng ngút tầm mắt. Ramallah vốn là một thành phố nghỉ mát thường được các ông vua Arab chọn làm nơi xây cất biệt thự để tránh nóng vào mùa hè. Một số gia đình ở Arab Saudi và Kuwait hiện vẫn còn có nhà cửa ở Ramallah.

          Trên hành trình từ biên giới Jordan - Palestine tiến vào Ramallah, chúng tôi lần lượt đi qua các khu vực có độ cao so với mực nước biển khác nhau. Đầu tiên là ở độ cao 400 mét, rồi 300 mét và 150 mét so với mực nước biển. Chốc chốc lại bị ù tai vì đi vào vùng chênh lệch áp suất không khí lớn. Quả là một vùng đất hấp dẫn và thú vị thôi thúc khám phá.

          Trên đường phố Ramallah chỉ toàn ô tô nối đuôi chạy, không có một bóng xe máy hay xe đạp. Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama giải thích rằng, phần lớn người Palestine đều vay trả góp ngân hàng để mua ô tô. Nhà ít nhất cũng sở hữu một đến hai chiếc ô tô làm phương tiện chính để đi lại. Điều này khiến cho Ramallah có một diện mạo hiện đại và phát triển như bao thành phố khác trên thế giới. Khu trung tâm thương mại xung quanh quảng trường Sư tử rất sầm uất, tấp nập với nhiều cửa hàng và khu chợ thực phẩm, rau quả đông đúc, nhộn nhịp người mua kẻ bán.

          Ramallah còn ngổn ngang với nhiều công trình lớn đang xây dựng. Chính quyền Palestine đang tiến hành xây dựng Ramallah thành một trung tâm hành chính của cả nước. Một tổ hợp các tòa nhà cao tầng liền nhau đang được xây dựng sau này sẽ là trụ sở của phần lớn các bộ trong chính quyền Palestine. Đây có thể coi là bước chuẩn bị quan trọng cho việc thành lập một chính phủ Palestine đoàn kết. Đây cũng là mục tiêu chính trị mà Palestine đang ở rất gần đích sau khi các đảng phái Palestine vừa đạt được thỏa thuận hòa giải dân tộc.

          Chúng tôi còn may mắn được ngắm nhìn một Palestine cổ kính và linh thiêng, nằm ở ngã tư của nhiều nền văn minh thế giới cổ đại từ hàng ngàn năm trước, với nhiều đền đài và thánh đường tôn giáo uy nghiêm, khi tới thánh địa Bethlehem hay thành phố cổ Hebron, Jericho. Những di tích tôn giáo này đều có bề dày lịch sử với những câu chuyện kể thần thánh bí ẩn.

          Khỏi phải nói về những địa danh nổi tiếng thế giới ở nơi trung tâm của thế giới cổ đại này. Bethlehem, nơi chúa Jesu chào đời cách đây hơn 2000 năm, với di tích thánh đường máng cỏ, hàng năm thu hút hàng trăm nghìn du khách tôn giáo tới đây. Đây là địa điểm hành hương thiêng liêng của các tín đồ thiên chúa giáo ở khắp mọi quốc gia. Hebron là một trong những thành phố cổ nhất thế giới với nhiều di tích tôn giáo quan trọng của cả Hồi giáo, Thiên chúa giáo và Do Thái giáo. Trong đó nổi tiếng là khu hầm mộ của Abraham, nhân vật mà sách Thánh kinh Do Thái ghi là cha đẻ của cả người Arab và người Do Thái. Còn thành phố Jericho cổ kính nhất thế giới với hơn 10 nghìn năm tuổi, là nơi trồng được được loại chà là ngon, ngọt không đâu sánh bằng do đặc điểm khí hậu và địa lý thuận lợi.

          Đi tới đâu chúng tôi cũng bắt gặp những vườn cây ô-liu xanh tốt hay vườn chà là đang độ đâm bông. Ô-liu và chà là là hai sản vật nức tiếng gần xa của đất nước Palestine. Palestine còn được gọi với cái tên “Xứ sở ô-liu”, nơi sản xuất loại dầu ô-liu và xà phòng ô-liu có chất lượng đặc biệt. Chúng tôi cũng gặp những núi đá trắng đang được khai thác trên đường đi. Mặc dù Palestine có nền công nghiệp kém phát triển nhưng riêng ngành công nghiệp khai thác và xuất khẩu đá trắng, đá hoa cương lại đang phát triển thành công, đóng góp 5% cho GDP.