Trang chủ Đại sứ quán Bài viết của Đại sứ Palestine - Việt Nam: Cùng nhau vượt qua trở ngại

Palestine - Việt Nam: Cùng nhau vượt qua trở ngại

Thứ hai, 17 Tháng 2 2014 10:26

Quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại phát triển chậm trong thời gian qua chưa phản ánh đúng mức tiềm năng sẵn có ở cả hai nước. Việc củng cố và sâu sắc hoá quan hệ kinh tế và thương mại đòi hỏi chúng ta phải quan tâm hơn nữa tới những nội dung cơ bản, mà trước hết là đầu tư. Bởi hiện đang có nhu cầu cấp thiết về đầu tư về chất của các doanh nghiệp Việt Nam tại các dự án phát triển và xây dựng năng lực trên đất nước Palestine và đồng thời là sự đầu tư của các doanh nghiệp Palestine vào các lĩnh vực xây dựng kiến thiết và viễn thông tại Việt Nam...

Thứ hai là các hoạt động thương mại thiết thực. Palestine được coi là một thị trường thu hút các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp của Việt Nam còn thị trường Việt Nam cũng thu hút nhiều sản phẩm chất lượng của Palestine. Thứ ba là quan hệ văn hoá và du lịch. Mặc dù đóng vai trò quan trọng song hoạt động này chưa thực sự phong phú.

Có rất nhiều yếu tố tích cực đã tạo nên động lực thúc đẩy tăng cường quan hệ song phương. Quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt gắn bó giữa hai nước bè bạn là cơ sở vững chắc và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư không chỉ giữa Palestine và Việt Nam mà còn giữa Việt Nam với thế giới Ả rập. Bởi lẽ Palestine có một vị trí quan trọng trong khu vực và rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Palestine đang kinh doanh và đầu tư ở bên ngoài Palestine.

Chúng ta có lợi ích lớn lao trong hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực đang được hai bên rất quan tâm, trong đó có ngành công nghiệp chế biến, nông nghiệp, xây dựng, viễn thông và sản xuất hàng hoá tiêu dùng. Chính phủ hai nước cũng khuyến khích đầu tư vào nhiều ngành có lợi ích kinh tế cao như nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, công nghiệp, du lịch, xây dựng, dịch vụ công cộng, viễn thông, công nghệ phần mềm, giao thông vận tải... Hai bên cũng có thể hợp tác trong lĩnh vực xây dựng năng lực cho các cơ quan nhà nước Palestine, cụ thể là học tập kinh nghiệm của Việt Nam trong lĩnh vực an ninh với mục đích củng cố hoà bình và an ninh cho người dân Palestine.

Nguyện vọng thiết tha của hai nước về phát triển quan hệ song phương đang đứng trước một số trở ngại. Đáng kể nhất là tình hình chính trị hiện nay ở Palestine, nước ngoài tiếp tục chiếm đóng lãnh thổ Palestine và sự trì trệ trong tiến trình hoà bình ở Trung Đông. Bên cạnh đó là sự cách xa nhau về địa lý, chưa có sự tiếp cận văn hoá giữa hai bên, thiếu nhân lực và thông tin trao đổi giữa hai nước.

Trước thực tế đó, rõ ràng là hai bên phải nỗ lực và chủ động nhiều hơn nữa. Quan trọng nhất là tiếp tục củng cố quan hệ hợp tác ở các cấp độ nhằm đưa quan hệ kinh tế, thương mại lên một tầm cao mới. Việc mở cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Palestine sẽ đóng góp lớn vào việc tăng cường quan hệ song phương. Bên cạnh việc tiếp tục trao đổi các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước ở các cấp, hai bên nên sớm thành lập Uỷ ban hợp tác hỗn hợp liên chính phủ giữa hai nước.

Việc đẩy mạnh phát triển nhân lực và đào tạo cán bộ thông qua việc gửi sinh viên tham gia các khoá đào tạo tiếng Ả rập tại các trường đại học ở Palestine và tìm hiểu văn hoá của mỗi nước cũng cần được chú trọng. Hai bên có thể mở rộng giao lưu văn hoá và du lịch thông qua việc tổ chức hội chợ, hội thảo, thành lập các hội đồng doanh nghiệp hai nước và phát triển quan hệ thiết thực giữa Liên đoàn các phòng thương mại và công nghiệp Palestine và cơ quan đồng cấp của Việt Nam. Hai nước cử đoàn tham dự các cuộc hội thảo, diễn đàn ở mỗi nước và khu vực; đồng thời, tạo các thủ tục thuận lợi trong việc cấp thị thực nhập xuất cảnh cho các đoàn với mục đích tham quan và tìm cơ hội kinh doanh và đầu tư.

BOX:

“Trong tiềm thức của những người dân Việt Nam, Trung Đông - Bắc Phi được biết đến như vùng đất của những câu chuyện Nghìn lẻ một đêm huyền bí, những chuyến phiêu lưu kỳ thú của Alibaba hay xung đột, bạo lực. Tuy nhiên, đây lại là khu vực có nhiều tiềm lực văn hóa, kinh tế, thương mại, tài chính và ngày càng có tầm quan trọng chiến lược trong những nỗ lực xây dựng và phát triển toàn cầu.

Do vậy, việc tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các đối tác Trung Đông – Bắc Phi sẽ có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tìm kiếm khả năng cũng như các quyết định phát triển mối quan hệ trên tất cả bình diện giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, mà nòng cốt là lĩnh vực văn hóa, kinh tế, thương mại và đầu tư.

Điều đó sẽ đóng góp tích cực cho tiến trình hội nhập và hợp tác đang được thúc đẩy mạnh mẽ tại Việt Nam. Diễn đàn cũng sẽ giúp hình thành một Con đường tơ lụa mới nối liền khu vực Đông Nam Á với vùng Trung Đông - Bắc Phi đầy tiềm năng vì những lợi ích và mục tiêu phát triển chung”

Saadi Salama

Đại sứ Palestine tại Việt Nam

 

Bài viết đăng trên Trang Ngoại giao kinh tế Trực tuyến - Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 17/2/2014